Khó phân tích nguyên nhân tranh chấp lao động tập thể

(SGGP).- Theo ông Phạm Huy Thông, Phó Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM, năm 2016, các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP xảy ra 14 vụ tranh chấp lao động tập thể (cao hơn 1 vụ so với năm 2015).

Vấn đề là, các vụ lao động tranh chấp tập thể, ngừng việc, đình công đều không đúng trình tự, thủ tục. Điểm khó khăn, theo ông Thông, là khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình công thì nguyên nhân xuất phát đều bao gồm cả tranh chấp về quyền và tranh chấp về lợi ích. Vì vậy, không thể tách ra để giải quyết như quy định: tranh chấp về quyền do Chủ tịch UBND cấp huyện, hòa giải viên lao động, tòa án giải quyết và không được đình công; tranh chấp về lợi ích do hòa giải viên lao động hoặc hội đồng trọng tài giải quyết.

TPHCM có gần 286.000 lao động đang làm việc trong 16 khu chế xuất, khu công nghiệp. Trong đó, 72% lao động đang làm việc trong doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, DN chỉ được đóng cửa tạm thời trong thời gian diễn ra đình công. Pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể về việc DN “đóng cửa tạm thời nơi làm việc” và mức lương trong thời gian đóng cửa tạm thời là bao nhiêu. Bộ luật Lao động cũng chưa có quy định chế tài cụ thể đối với người lao động tham gia đình công không đúng trình tự pháp luật, gây thiệt hại cho DN.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục