Khó siết nhập hộ khẩu qua khống chế diện tích nhà ở

Nhiều chuyên gia nhận định, việc đề xuất tăng diện tích nhà ở lên 20m2 sàn/người, cao gấp 4 lần diện tích nhà ở bình quân để được đăng ký hộ khẩu sẽ khó có tác động tích cực để hạn chế người dân các nơi nhập cư vào TPHCM.


 Một khu đông dân nhập cư tại quận 8, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Một khu đông dân nhập cư tại quận 8, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Lo áp lực hạ tầng

Theo đề xuất của Sở Xây dựng TPHCM, con số trên được đưa ra dựa vào chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ 10 là đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân của người dân TP là 19,8m2/người; đồng thời, cơ quan soạn thảo cũng tham khảo và cân nhắc với diện tích nhà ở bình quân tối thiểu để đăng ký hộ khẩu thường trú tại một số TP trực thuộc Trung ương như Hà Nội 15m²/ người, TP Cần Thơ và Đà Nẵng từ 15 -  20m2/người. 

Sự lo ngại của đầu tàu kinh tế cả nước là người dân từ khắp nơi đổ về sinh sống sẽ gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dẫn đến ùn tắc giao thông, quá tải bệnh viện, trường học, ô nhiễm môi trường, giá bất động sản tăng cao là hoàn toàn có cơ sở... Áp lực này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm lo chất lượng cuộc sống cho người dân TP.

Nếu như trước đây TPHCM chia làm 2 khu vực để áp dụng chỉ tiêu bình quân diện tích nhà ở để đăng ký thường trú thì sau nhiều lần lấy ý kiến, giờ đây chỉ đưa ra một con số. Lý do là khu vực trung tâm TP cơ bản đã ổn định, tốc độ đô thị hóa bảo hòa; trong khi đó, các khu vực ngoại thành hiện đang diễn ra đô thị hóa ồ ạt, người dân các tỉnh thành khác về TPHCM sinh sống, làm việc, học tập... rất nhiều.

Việc quy định diện tích nhà ở bình quân/đầu người để đăng ký thường trú sẽ khắc phục được tình trạng nhập hộ khẩu nhờ, nhập hộ khẩu danh nghĩa; từ đó sẽ giúp giảm tải cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đồng thời đáp ứng được vấn đề giãn dân và tạo môi trường cho người dân trên địa bàn đảm bảo được các điều kiện sống tối thiểu…

“Có cấm cũng không cản được”

Đó là khẳng định của các chuyên gia kinh tế về vấn đề dân số của TPHCM. Chẳng hạn, theo thống kê của Công an TP, việc người dân đứng tên giúp hoặc nhờ người khác để nhập hộ khẩu không hề ít. Hiện toàn TP có hơn 43.000 người sống ở tại quận này nhưng đăng ký hộ khẩu thường trú ở chỗ thuê, mượn, ở nhờ tại quận khác; có gần 45.000 người từ các tỉnh khác đến đăng ký hộ khẩu vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ tại TP.

Có một thực tế, cho dù có cấm hay không cấm thì dân số của TPHCM vẫn tăng lên từng ngày. Hiện dân số TP đã lên đến con số 13 triệu người, chưa kể khách vãng lai cũng đến vài triệu người. Hàng loạt quận, huyện có số dân đã vượt ngưỡng quy hoạch của năm 2020 như Bình Thạnh, Bình Tân, Bình Chánh…

Việc bùng nổ thị trường bất động sản cũng đã cung cấp thêm vài chục ngàn căn nhà mỗi năm; trong đó, riêng tuyến metro số 1, từ Bến Thành đi Suối Tiên, đã có thêm gần 20.000 căn hộ chung cư trong vòng 4 năm, kéo sự gia tăng dân số rất lớn. Và với đà phát triển hiện nay, đến hàng chục năm sau, TPHCM vẫn là lực hấp số một để người dân khắp nơi tìm đến mưu sinh và định cư.

Ý kiến của nhiều chuyên gia tỏ ra không đồng tình với đề án tăng chỉ tiêu diện tích nhà ở để khống chế nhập hộ khẩu. Ông Đinh Duy Trinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Bất động sản Việt Nam, cho rằng nên nhìn thẳng vào vấn đề tái cơ cấu lại các ngành nghề, lĩnh vực để tập trung đưa TPHCM trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, công nghệ cao, thay vì phát triển các ngành công nghiệp, nhất là những ngành thâm dụng nhiều lao động, gia công cho nước ngoài nhưng mang về giá thị thặng dư rất thấp. Những ngành các địa phương khác có thể làm được và thu hút nhiều lao động, TPHCM nên “nhường” lại như may mặc, giày dép… Khi đó, một lượng lớn công nhân, người nhập cư sẽ rút về địa phương khác, giúp giảm áp lực cho TP.

Cùng quan điểm, một chuyên gia kinh tế (xin giấu tên) nhận xét, mới nhìn qua thì quy định này nhằm hạn chế tình trạng tăng dân số cơ học quá nhanh và tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý hành chính, nhưng thực ra vẫn không giải quyết được bản chất của vấn đề. Bởi diện tích nhà ở có đủ lớn để đăng ký hộ khẩu cũng không làm giảm được áp lực dân số và hạ tầng của TP. Với lại, hiện nay Luật Cư trú đã có hiệu lực nên người dân có quyền sinh sống và làm việc ở bất cứ nơi đâu; do đó, nếu TPHCM có hạn chế nhập khẩu bằng “hàng rào kỹ thuật” cũng không ảnh hưởng đến công việc làm của họ. Ngược lại, hệ quả của chính sách này sẽ rất lớn khi nhiều người tạm cư không ổn định chỗ ở sẽ gây khó khăn với việc quản lý an ninh trật tự. Không được đăng ký hộ khẩu, về lâu dài, con cái của họ sẽ bị thiệt thòi về chăm sóc y tế, học tập. Do đó, nên hạn chế tình trạng quá tải dân số trên địa bàn TPHCM bằng các giải pháp kinh tế, thay vì can thiệp bằng biện pháp hành chính là hết sức cần thiết.

Tin cùng chuyên mục