Ngày 8-10, trong một tuyên bố chung, Phòng Thương mại - Công nghiệp Indonesia (KADIN) và Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) cho biết, nhiều doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á đã mất hàng triệu USD do ảnh hưởng của khói mù từ việc đốt rừng tại Indonesia trong suốt một tháng qua.
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa kiều Singapore (SCCCI), đại diện cho hơn 40.000 công ty tại Singapore hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngành nghề và các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) của nước này đã bị thiệt hại khoảng 10% - 30% do khói mù. Ivy Singh, chủ trang trại nông nghiệp Kranji cho biết, doanh nghiệp này đã phải hủy bỏ 80% các hoạt động ngoài trời như chương trình tham quan nông trại và họ sẽ buộc phải cho thôi việc một số nhân viên nếu tình trạng khói mù kéo dài. Trong khi đó, Adventure Paddlers, một công ty hoạt động ở lĩnh vực thể thao dưới nước, cho biết hơn 60 người đã hủy bỏ tour trong vòng hai tuần qua, khiến doanh thu bị giảm 60%.
Theo Chủ tịch SCCCI Thomas Chua Kee Seng, SCCCI sẽ đối chiếu thông tin phản hồi từ các doanh nghiệp để nắm rõ mức độ thiệt hại của từng doanh nghiệp thành viên và sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính phủ. Ông Thomas Chua Kee Seng cũng cho rằng chính phủ cần đánh giá tình hình và đưa ra một chiến lược dài hạn để giúp các doanh nghiệp chống lại các tác động của tình trạng khói mù vốn không còn là mới mẻ và rất có thể sẽ lại tiếp tục xảy ra trong những năm tới.
Bên cạnh đó, SCCCI cũng gửi thư cho các đối tác ở Malaysia và Indonesia tác động đến chính phủ hai nước trên để hỗ trợ giải quyết những khó khăn cho các doanh nghiệp thành viên của SCCCI. Mặt khác, các tổ chức này kêu gọi những doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp ở Indonesia không đốt rừng và đảm bảo hoạt động kinh doanh bền vững, bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, Indonesia đang phải đối mặt với sức ép từ các quốc gia láng giềng. Ngày 8-10, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã mời Đại sứ Indonesia tại Thái Lan Lutfi Rauf tới để thảo luận nhằm tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề khói mù đang ảnh hưởng đến các tỉnh miền Nam Thái Lan, nơi thu hút nhiều khách du lịch.
Trước đó, Indonesia cuối cùng cũng đã chấp nhận lời đề nghị hỗ trợ từ Singapore trong nỗ lực giải quyết nạn khói mù. Theo Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan, gói đề nghị hỗ trợ của Singapore gửi Indonesia gồm một máy bay C-130 gieo hạt làm mưa nhân tạo; hai máy bay C-130 chở một nhóm lính cứu hỏa thuộc Lực lượng phòng vệ dân sự Singapore (SCDF); một nhóm chuyên gia SCDF hỗ trợ đánh giá và lên kế hoạch; cung cấp ảnh vệ tinh độ nét cao và tọa độ các điểm nóng; máy bay lên thẳng Chinook chở két nước sẵn sàng hỗ trợ dập tắt đám cháy.
Nước láng giềng Malaysia cũng đã đề nghị hỗ trợ Indonesia sau khi phải đóng cửa hàng trăm trường học trên cả nước do tình trạng ô nhiễm khói mù. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết Thái Lan sẵn sàng cùng các nước ASEAN khác tìm kiếm các giải pháp trước mắt và lâu dài cho vấn đề khói mù do các đám cháy ở các đảo Sumatra và Borneo hàng năm ảnh hưởng đến các nước láng giềng của Indonesia. Giúp người là giúp mình. Các quốc gia trong Đông Nam Á chắc hẳn đã quá mệt mỏi, không muốn chịu đựng hơn nữa những tác động tiêu cực từ khói mù của Indonesia.
MINH CHÂU
>> Indonesia đề nghị các nước hỗ trợ dập cháy rừng