Chở quá tải 150%
Trưa 13-1-2019, một xe đầu kéo rơ-moóc chở nhiều cuộn thép tròn chất chồng lưu thông trên quốc lộ 1A từ huyện Bến Lức (tỉnh Long An) về quận Bình Tân (TPHCM). Do xe chở quá tải trọng cho phép nên khi lên dốc cầu Bình Điền (huyện Bình Chánh, TPHCM), một cuộn thép trên xe đã rơi xuống đường. Sự cố khiến hàng chục người lưu thông phía sau hoảng sợ, vứt xe tháo chạy. Rất may, cuộn thép lăn vào làn đường ô tô nên không có thương vong về người, chỉ làm hư hỏng một ô tô chạy phía sau.
Theo chân tổ kiểm tra xử lý xe chở quá tải, quá khổ của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt (PC08) Công an TPHCM tại khu vực cửa ngõ phía Đông Bắc thành phố, chúng tôi thấy xe chở quá tải, quá khổ xuất hiện nhan nhản. Chỉ trong một giờ đồng hồ, trên quốc lộ 1A (đoạn qua quận 9 và Thủ Đức), tổ kiểm tra đã phát hiện, xử lý hơn chục trường hợp vi phạm. Đáng chú ý, trong số này có rất nhiều phương tiện chở hàng quá tải ở mức rất cao so với quy định. Đơn cử như xe 51D-326.91 chở quá tải 22,3%, xe 51D-930.08 chở quá tải 34%, đặc biệt xe 51C-607.28 chở quá tải đến 150%.
Theo số liệu của PC08 Công an TPHCM, từ ngày 16-11-2018 đến 15-5-2019, đơn vị đã xử lý 639 trường hợp ô tô chở quá tải. Trong khi đó, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cho biết, 6 tháng năm 2019, các đội trực thuộc của cơ quan này đã phát hiện, xử lý 901 phương tiện giao thông đường bộ chở hàng hóa quá tải, quá khổ. “Trên thực tế, lượng phương tiện vi phạm lỗi chở quá tải, quá khổ còn cao hơn gấp nhiều lần do lực lượng kiểm tra chỉ làm nhiệm vụ trong một khoảng thời gian ngắn, không thể kiểm soát 24/24 giờ”, đại diện lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT TPHCM nhìn nhận.
Không chỉ gây mất an toàn giao thông - là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông làm chết người, việc xe quá tải lộng hành ở TPHCM còn khiến hạ tầng giao thông nhiều nơi trên địa bàn thành phố xuống cấp nghiêm trọng. Rất nhiều tuyến đường luôn trong tình trạng “nắng bụi, mưa lầy” do mỗi ngày phải oằn mình gánh chịu hàng trăm lượt xe ben, xe chở quá tải chạy qua.
Nhân lực thiếu, thiết bị yếu
Trung tá Triệu Quốc Dũng, Phó đội trưởng Đội Tham mưu PC08 Công an TPHCM, cho biết theo Nghị định 46 của Chính phủ, hành vi vi phạm “chở quá tải” có mức phạt rất cao, từ 800.000 đồng đến 12 triệu đồng (tùy vào mức tải trọng vượt so với mức tải trọng cho phép); ngoài ra, không chỉ tài xế mà chủ xe cũng bị xử phạt khi xe chở quá tải. Để tránh bị phạt, chủ doanh nghiệp và lái xe luôn tìm cách đối phó. Hiện nay, dọc các tuyến đường lớn, khu vực cửa ngõ, quanh các cảng…, chủ doanh nghiệp vận tải đều cho người cảnh giới, theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng. Khi thấy cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông làm nhiệm vụ, lập chốt, lập tức các đối tượng báo tin để tài xế, doanh nghiệp thay đổi lộ trình di chuyển của phương tiện.
Bên cạnh đó, theo quy định, khi phát hiện xe chở quá tải, ngoài việc xử phạt hành chính còn buộc phải hạ tải, chấm dứt ngay hành vi vi phạm, nhưng hiện nay các quận huyện đều thiếu các bãi hạ tải. Chưa kể, đối với các xe container, xe tải chở sắt thép, hàng hóa có tải trọng siêu nặng cần phải có phương tiện, thiết bị chuyên dụng mới buộc hạ tải được, nhưng hiện nay, việc trang bị phương tiện chuyên dụng cho các đội, trạm cảnh sát giao thông còn hạn chế.
Ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM, cho biết việc ngăn chặn phương tiện giao thông vi phạm chở quá tải chưa đạt được hiệu quả cao có một phần nguyên nhân do lực lượng mỏng. Trước đây có 3 lực lượng chính tham gia kiểm soát, xử lý tải trọng ở các trạm cân: cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và thanh niên xung phong. Tuy nhiên, từ ngày 16-3-2017, lực lượng Thanh niên Xung phong đã ngưng tham gia. Đến ngày 30-9-2017, PC08 Công an TPHCM có văn bản ngưng phối hợp kiểm soát tải trọng phương tiện tại các trạm cân thứ cấp. Do đó, công tác kiểm soát tải trọng hiện nay gặp nhiều khó khăn, khó thể kiểm soát 24/24 giờ như trước. Chưa kể, trong một số trường hợp, thanh tra giao thông không được dừng xe; do đó khi không có cảnh sát giao thông phối hợp, việc dừng xe, kiểm tra, xử lý các xe chở quá tải rất khó khăn.
Ông Lê Hồng Việt cho biết, hiện nay TPHCM lắp đặt nhiều trạm cân thứ cấp trên các tuyến đường cửa ngõ thành phố, đường dẫn vào cảng... Tại đây, khi các phương tiện đi qua, hệ thống phần mềm kiểm soát tải trọng sẽ ghi, lưu giữ lại các chỉ số (tải trọng, số xe, loại xe…) và truyền về trung tâm giám sát để chuyển đến trạm, chốt kiểm tra tiếp theo dừng xe, cân lại và xử lý. Cách làm này mất nhiều thời gian, đòi hỏi lực lượng chức năng phải lập chốt, bố trí cán bộ làm việc liên tục. Thanh tra Sở GTVT TPHCM đã kiến nghị UBND TPHCM và Bộ GTVT nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ bổ sung tính pháp lý về kết quả cân kiểm tra xe quá tải của hệ thống cân tự động, xem đây là cơ sở pháp lý và sẽ “phạt nguội” lái xe, chủ doanh nghiệp vi phạm, thay vì phải lập chốt dừng xe, cân lại. Ngoài ra, theo ông Việt, nếu lực lượng chức năng được phép “phạt nguội” lỗi chở quá tải, chủ doanh nghiệp và tài xế cũng sẽ ý thức hơn, không ngang nhiên vi phạm, bởi chở quá tải bất cứ lúc nào cũng bị hệ thống cân tự động ghi lại. Cùng với đó, để nâng cao hơn nữa về hiệu quả trong ngăn chặn, xử lý xe quá tải, quá khổ, các cơ quan như cảng vụ cần làm tốt công tác kiểm tra việc thực hiện quy định về chất, xếp hàng hóa lên phương tiện giao thông đường bộ. Tuyệt đối không cho xuất bến, rời cảng khi xe chở quá tải, quá khổ. |