Khoa học phải vì con người và chấp nhận rủi ro

Ngày 21-12, tại Hà Nội, đã diễn ra chương trình giao lưu với các chủ nhân giải thưởng VinFuture 2022. Tại đây, các nhà khoa học nổi tiếng đã chia sẻ những câu chuyện thú vị về hành trình đến với khoa học, góc nhìn về thế giới cũng như tình cảm đối với đất nước và con người Việt Nam.
Ba nhà khoa học đoạt giải chính VinFuture Grand Prize tại cuộc giao lưu
Ba nhà khoa học đoạt giải chính VinFuture Grand Prize tại cuộc giao lưu

Dùng lợi thế của mình để giúp đỡ mọi người

GS Thalappil Pradeep (Ấn Độ), người đoạt giải đặc biệt VinFuture 2022 dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, cho biết, ông sinh ra trong một làng quê nghèo không có điện. Phải đến khi ông 21 tuổi thì vùng quê mới có điện.

“Hồi đó chúng tôi không quá nghèo. Tôi nói thật vậy, vì ngoài kia nhiều cộng đồng nghèo hơn nữa mà họ không có điều kiện như quê chúng tôi. Chúng tôi ít ra cũng đủ đồ ăn, nhưng chúng tôi chỉ có thể mặc mỗi người 2 bộ đồng phục mà thôi”, GS Thalappil Pradeep kể lại. Dần dần mọi chuyện thay đổi, và mọi thứ ông có được ngày nay là nhờ môn Hóa học - chuyên ngành ông đã theo đuổi nghiên cứu.

Theo GS Thalappil Pradeep, 24 giờ là không đủ cho người như ông khi mong giải quyết các vấn đề lớn. “Vấn đề đầu tiên và duy nhất ta phải làm là vay thời gian gia đình. Tôi muốn đưa ra lời khuyên là làm việc gì cũng hãy vì người khác trước. Tôi không mang theo trên người bất cứ thứ gì, không vay tiền ai cả. Mọi thứ tôi kiếm được đều dành cho người khác”, GS Thalappil Pradeep tâm sự.

Giáo sư Thalappil Pradeep cũng cho biết, ông thật sự ngưỡng mộ và kính cẩn trước những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho đất nước Việt Nam. Dù là 2 dân tộc khác nhau, nhưng khó khăn cuộc sống giữa Việt Nam và Ấn Độ tương đồng. “Tôi thấu cảm khó khăn, nỗi đau và khát vọng của các bạn Việt Nam, của đất nước Việt Nam. Những khó khăn của các bạn cũng là của chúng tôi”, GS Thalappil Pradeep nói.

Trong câu chuyện của mình, GS Pamela Christine Ronald (Mỹ), người đoạt giải đặc biệt VinFuture 2022 dành cho nhà khoa học nữ, cho biết, cha bà là dân tị nạn. Trong thế chiến thứ 2, ông phải chạy trốn nhiều nơi và cuối cùng tới Mỹ. Gia đình GS Pamela Christine Ronald có cuộc sống khiêm nhường, nhưng cha của bà luôn nhắc các con là phải quan tâm đến người khác; nếu có điều kiện thì phải dùng lợi thế của mình để giúp đỡ mọi người. “Đó là cảm hứng giúp tôi tìm thấy tình yêu và đến với khoa học cây cỏ, thiên nhiên. Cũng từ đó, tôi đã kết hợp các đam mê với nhau và cùng nhiều nhà nghiên cứu tạo ra giống lúa mang lại lợi ích thiết thực cho người dân”, GS Pamela Christine Ronald chia sẻ.

Internet cần an toàn và thân thiện hơn

Giải chính VinFuture Grand Prize trị giá 3 triệu USD được trao cho 5 nhà khoa học giúp biến internet và mạng lưới toàn cầu thành hiện thực, điều đã làm thay đổi cách sống, giao tiếp và làm việc, đồng thời đặt nền móng cho sự tiến bộ của nền kinh tế xã hội hiện đại. Các tác giả gồm: Timothy John Berners-Lee (người đã phát minh ra World Wide Web); Robert Elliot Kahn và Vinton Gray Cerf (thiết kế ra internet); David Neil Payne và Emmanuel Desurvire (người đã phát triển internet cáp quang, xương sống của mạng viễn thông và internet). Công trình nghiên cứu World Wide Web, internet và internet cáp quang đã trở thành công cụ giao tiếp thống trị trên toàn thế giới, được hàng tỷ người thụ hưởng thành quả, sử dụng để lấy thông tin, trao đổi và kết nối dễ dàng.

Tại cuộc giao lưu, khi trả lời câu hỏi: trong 10-15 năm tới thì internet sẽ thay đổi như thế nào? Liệu con người sẽ lệ thuộc, độc lập, hay không quan tâm internet nữa? TS Vinton Gray Cerf (Mỹ) cho rằng, internet vẫn sẽ phát triển và là công cụ hữu ích, nhưng sẽ có thể thay đổi hình thái một chút. Với những người có hành vi cư xử không tốt trên internet, cần phải làm sao phát hiện những đối tượng này, đảm bảo họ chịu trách nhiệm cho hành vi đó. Đó là trách nhiệm của các viện, tổ chức, quốc gia khi chúng ta mong bảo đảm môi trường internet trong sạch, hữu ích. Cùng với đó là tính tự chủ, với tư cách cá nhân, tổ chức, quốc gia có thể tự bảo vệ cho người dân. Chúng ta cần các nhà khoa học nhiều ngành để con người tương tác trên internet an toàn và thân thiện hơn, cũng như để giúp cuộc sống tốt đẹp hơn.

Với TS Vinton Gray Cerf, nếu để chọn 1 từ, ông cho biết sẽ chọn từ “rủi ro”. Bởi muốn làm gì lớn hãy kêu gọi hỗ trợ từ người thông minh hơn mình. Chấp nhận rủi ro để đi tìm cái mới thực sự có ý nghĩa với mình và cộng đồng. Đó cũng chính là con đường mà khoa học nhân loại đã phát triển. Còn TS Emmanuel Desurvire (Pháp) nhấn mạnh, trí tò mò trong nghiên cứu là quan trọng. Khi tò mò, ước mơ, nhưng không xa rời thực tế sẽ giúp mỗi con người biết phấn đấu, vươn lên. Trong vật lý, một lý thuyết hiệu quả có thể áp dụng ở lĩnh vực khác, như khoa học máy tính. “Chúng ta hãy quan tâm tới những điều không thuộc cả chuyên ngành của mình, để trí não ta phát hiện ra vấn đề liên quan tới việc nghiên cứu. Hãy để trí tưởng tượng tự do, từ đó soi chiếu lại chính chuyên ngành của mình”, TS Emmanuel Desurvire đưa ra lời khuyên.

GS David Neil Payne (Anh) khẳng định, muốn chiến thắng, muốn khuất phục điều gì, cần sự tập trung cao độ với cường độ làm việc không ngừng nghỉ. Nói về tương lai internet, GS David Neil Payne nhận định, internet sẽ là một phần của khám phá vĩ đại tiếp theo. Nhưng có một điều hết sức quan trọng của tương lai internet là việc lưu trữ dữ liệu. Khám phá vĩ đại tiếp theo sẽ là việc lưu trữ dữ liệu cực kỳ lớn trong kỷ nguyên này.

Tin cùng chuyên mục