
Ngày 28-12, Trung tâm Không gian châu Âu sẽ phóng tên lửa thử nghiệm đầu tiên trong hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu Galileo. Đây là một hệ thống định vị tương tự như hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ.

Tên lửa Soyuz của Nga phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan sẽ đưa vệ tinh Giove-A của châu Âu lên quỹ đạo.
Galileo, một mạng lưới bao gồm 30 vệ tinh, dự định sẽ hoàn tất và đi vào hoạt động vào cuối năm 2010, song song với GPS của Mỹ và hệ thống Glonass của Nga. Đây là dự án không gian lớn nhất của châu Âu từ trước tới nay, đáng giá 3,4 tỷ euro.
Vệ tinh thử nghiệm đầu tiên của Galileo, GIOVE-A, sẽ được phóng lên theo quỹ đạo cách mặt đất 23.000km. Đây là lần đầu tiên, ESA phóng vệ tinh vào quỹ đạo này. Vệ tinh thứ hai sẽ được phóng tiếp theo vào năm mới. Các cuộc phóng này sẽ thử nghiệm những kỹ thuật cần thiết để vận hành Galileo.
Galileo được thiết kế nhằm vào các ứng dụng dân sự. Nó bảo đảm sự an toàn trên hết trong tất cả mọi tình huống trong cuộc sống như hướng dẫn máy bay hạ cánh hay kiểm soát các đoàn tàu lửa.
Một trong những lợi ích khác của Galileo là sự cạnh tranh với GPS sẽ thúc đẩy cả hai hệ thống vệ tinh này luôn luôn phải cập nhật và đổi mới các kỹ thuật.
Trong tương lai, Galileo cũng có thể được sử dụng kết hợp với 29 vệ tinh trong GPS. Các nhà khoa học mong chờ ứng dụng Galileo trong các lĩnh vực nghiên cứu về kiến tạo địa tầng học và khí tượng học.
(Theo VNN)