Khởi động công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản làm sạch sông Tô Lịch
SGGPO
Ngày 16-5, dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản đã được khởi động.
Dự lễ khởi động dự án, TS Tadashi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản cho biết, công nghệ Nano - Bioreactor đã từng áp dụng thành công tại một số dự án về xử lý ô nhiễm nước sông trên thế giới. Sông Tô Lịch có lượng nước thải công nghiệp ít hơn nhưng lượng bùn ở tầng đáy rất lớn, bốc mùi hôi thối nên "bài toán" này có thể được xử lý bằng công nghệ Nano - Bioreactor.
Công nghệ Nano - Bioreactor có thể phân hủy hoàn toàn lớp bùn ở tầng đáy mà không cần nạo vét cơ học, xử lý nguồn gây ô nhiễm tạo ra mùi hôi thối của sông Tô Lịch là bùn tầng đáy. Với công suất xử lý tới hơn 1,3 triệu m³ nước thải/ngày đêm, nước thải ra sông Tô Lịch có thể được xử lý ngay trong ngày.
Chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam tiến hàn lắp đặt thiết bị hệ thống Nano - Bioreactor để xử lý ô nhiễm ở sông Tô Lịch
Tại lễ khởi động dự án, Công ty CP Cải thiện Môi trường Nhật Việt là đơn vị được giao thực hiện dự án đã tiến hành lắp đặt thí điểm thiết bị dưới lòng sông Tô Lịch. Đây là hệ thống máy sục khí nano sử dụng công nghệ bộ lọc được thiết kế đặc biệt để lấy không khí trực tiếp từ môi trường rồi khuếch tán vào trong môi trường nước dưới dạng các bọt khí kích thước micro/nano. Với sự khuếch tán của các bọt khí micro/nano trong nước làm tăng hàm lượng oxy hòa tan trong khu vực nước xử lý, bao gồm cả vùng nước ngầm. Kết quả là các vi sinh vật hiếu khí sẽ được kích hoạt và các quá trình chuyển hóa tự nhiên sẽ được nuôi dưỡng để cải thiện chất lượng nước trong thời gian ngắn.
Dự kiến chỉ sau 3 ngày, hệ thống sục khí công nghệ Nano - Bioreactor sẽ làm giảm ô nhiễm ở sông Tô Lịch.
Hệ thống Nano - Bioreactor xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch sau khi đươc lắp đặt xong
Theo ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, vấn đề ô nhiễm môi trường của cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đang gặp rất nhiều thách thức. Việc thí điểm các công nghệ hiện đại nhằm xử lý ô nhiễm nguồn nước là cần thiết, đặc biệt với Hà Nội. Tuy nhiên, để bảo vệ môi trường sạch sẽ cần có cách tiếp cận đến giải pháp tổng thể từ xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp từ nguồn.