Khơi dòng y tế tư nhân

Những năm qua, sự phát triển của hệ thống y tế tư nhân đã giúp người dân TPHCM và các địa phương lân cận có thêm nhiều sự lựa chọn về dịch vụ chăm sóc sức khỏe, góp phần giảm tải cho các bệnh viện (BV) công lập; đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các hệ thống y tế công - tư trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Song, vẫn cần có những chính sách, cơ chế hỗ trợ để y tế tư nhân phát triển hơn trong tương lai.

Vì sức khỏe nhân dân

Ở cửa ngõ Tây Bắc TPHCM, những năm qua, BV Đa khoa Xuyên Á là một trong những địa chỉ tin cậy về khám chữa bệnh đối với người dân khu vực Củ Chi, Hóc Môn (TPHCM) và tỉnh Tây Ninh. Trung bình mỗi ngày, BV tiếp nhận 2.000-2.500 lượt khám bệnh, và điều trị nội trú cho 1.000-1.500 người. Còn ở cửa ngõ phía Tây, các BV Gia An 115, Quốc tế City là những cái tên được nhiều người dân khu vực này nhớ đến mỗi khi có nhu cầu khám chữa bệnh. Đây cũng là địa chỉ thu hút nhiều người dân các tỉnh Tây Nam bộ đến khám chữa bệnh. Trong đó, BV Gia An 115 - một sản phẩm của mô hình hợp tác công - tư (PPP) giữa Tập đoàn Hoa Lâm và BV Nhân dân 115 - được biết đến là nơi thực hiện các kỹ thuật chuyên khoa sâu như tim mạch, thần kinh - đột quỵ, nội tiết, chấn thương chỉnh hình… Đội ngũ chuyên môn được đào tạo trong và ngoài nước, cùng với các chuyên gia đầu ngành đến từ BV Nhân dân 115 đã góp phần giảm tải rất lớn cho các BV tuyến cuối của TPHCM.

Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phẫu thuật bằng robot cho người bệnh

Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phẫu thuật bằng robot cho người bệnh

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát tại TPHCM, các BV tư nhân như Đa khoa Hoàn Mỹ Thủ Đức, Nam Sài Gòn, Xuyên Á, Gia An 115… đã chuyển đổi công năng trở thành BV điều trị Covid-19. Nhờ đó, hàng ngàn người bệnh được điều trị kịp thời, góp công rất lớn trong giảm tải cho các cơ sở y tế công lập. Các đội tiêm chủng đến từ hệ thống các BV tư nhân cũng đã tiêm vaccine Covid-19 cho hàng ngàn người dân. Trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, số lượng bệnh nhân Covid-19 nặng không ngừng tăng lên, các đơn vị tư nhân đã không ngần ngại đầu tư máy móc thiết bị (như máy trợ thở, phòng cách ly áp lực âm, máy lọc máu, hệ thống ECMO…), lập nên những trung tâm hồi sức Covid-19 kịp thời cấp cứu người bệnh.

Cùng với chống dịch Covid-19, giảm tải cho tuyến trên, các BV tư nhân còn là “điểm sáng” trong thu hút bệnh nhân người nước ngoài, phát triển du lịch y tế. Đơn cử BV Quốc tế City, mỗi năm, số lượt khám chữa bệnh cho người nước ngoài tại BV không ngừng tăng, chủ yếu là người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TPHCM và khách nước ngoài từ Campuchia, Lào… đến khám chữa bệnh qua con đường du lịch. Ra đời muộn hơn, BV Đa khoa Tâm Anh đang nổi lên như một hiện tượng trong ngành y tế TPHCM ở cả chất lượng dịch vụ lẫn đầu tư phát triển chuyên sâu. Cùng với mua sắm nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, BV Đa khoa Tâm Anh còn thu hút nhiều chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực và thành lập nên các trung tâm chuyên sâu.

Cần những “cú hích”

Theo PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện toàn thành phố có 66 BV tư cùng với hơn 7.800 phòng khám đa khoa tư nhân. Y tế tư nhân đã có nhiều đóng góp trong sự phát triển chung của thành phố, quan trọng nhất là giúp giảm tải lớn cho hệ thống y tế công lập vốn quá tải từ lâu. Gần đây, hệ thống y tế tư nhân có những sự chuyển mình về chất lượng, chú trọng phát triển y tế chuyên sâu. “Đây là những tín hiệu tích cực. Nếu như trước đây, đa số bệnh nhân nặng đều phải chuyển từ BV tư sang BV công để điều trị, thì nay các BV tư đã có thể tự tin giữ bệnh nhân lại để điều trị. Đây cũng là tiền đề để BV tư có thể sánh ngang với BV công về chất lượng điều trị trong tương lai”, PGS-TS Tăng Chí Thượng đánh giá.

Tuy nhiên, hiện nay quy mô của các BV tư nhân vẫn còn rất nhỏ, mới chỉ chiếm 10% trong tổng số giường bệnh trên toàn địa bàn. Ở các nước phát triển trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, hệ thống y tế tư nhân chiếm đến hơn 50% tổng số giường bệnh, điều này cho thấy, vai trò của y tế tư nhân rất quan trọng. Do đó, Việt Nam cần có chính sách nâng tổng số giường bệnh lên khoảng 20%-30%, như chính sách vay vốn ưu đãi, ưu đãi cho thuê đất… “Nếu không huy động được nguồn lực y tế tư nhân thì rất khó phát triển y tế chuyên sâu do số tiền đầu tư quá lớn. Để thu hút tư nhân đầu tư vào y tế, cần các chính sách hỗ trợ lâu dài bởi nếu các chính sách chỉ trong ngắn hạn thì không ai đầu tư chuyên sâu”, PGS-TS Tăng Chí Thượng phân tích.

Từ thực tế này, Sở Y tế TPHCM kiến nghị UBND TPHCM đề xuất cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TPHCM trong lĩnh vực y tế. Theo Sở Y tế TPHCM, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp thì cần huy động tư nhân tham gia với hình thức hợp tác công- tư, cho phép tư nhân xây dựng cơ sở mới tại một vị trí khác (cơ sở 2), BV công cung cấp nhân sự chuyên môn và cả thương hiệu BV. Đề án “Hình thành Trung tâm tầm soát và chẩn đoán sớm bằng công nghệ cao” cần kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư để sớm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trong khu vực. Ngoài ra, theo nhu cầu phát triển xã hội, TPHCM cần xây dựng thêm nhiều khu dưỡng lão phức hợp chăm sóc và điều trị cho người cao tuổi, những trung tâm phục hồi chức năng bằng công nghệ cao… có sự tham gia của y tế tư nhân.

Theo GS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, TPHCM có 66 BV tư nhân trên tổng số 330 BV tư nhân của cả nước (chiếm tỷ lệ gần 20%). Hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn TPHCM đã phát triển mạnh mẽ với số lượng điều trị ngoại trú và nội trú năm 2022 đạt hơn 7,6 triệu lượt; nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc được đầu tư, triển khai thực hiện thành công.

Bà TRẦN KHÁNH THU, Đại biểu Quốc hội: Ban hành các chính sách ưu đãi

TPHCM đang đối mặt với sức ép từ sự quá tải do lượng người dân đến khám chữa bệnh đông, không chỉ người dân thành phố mà còn từ nhiều tỉnh thành khác, nên cần có cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn lực xã hội, nhất là hệ thống y tế tư nhân đồng hành cùng hệ thống y tế thành phố. TPHCM cần được phân cấp thẩm quyền ban hành chính sách đặc thù ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư về y tế hay các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân. Ví dụ như việc giao đất, các thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính để hệ thống y tế tư nhân tham gia xây dựng thêm các BV mới, cơ sở mới - đặc biệt ở các lĩnh vực ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, thần kinh, mắt, tai mũi họng...

Bác sĩ NGUYỄN HỮU TÙNG, Phó Chủ tịch Hội Hành nghề y tư nhân: Hợp tác công - tư là hướng đi đúng trong xã hội hóa y tế

Hợp tác công - tư là tiền đề tiến tới sự công bằng trong đầu tư và chăm sóc sức khỏe người dân, tạo các điều kiện thông thoáng giữa các nguồn lực y tế. Nhà nước cần quan tâm một cách công bằng đến y tế tư nhân. Khi y tế tư nhân lớn mạnh sẽ giúp cho hai hệ thống công - tư trong hệ thống y tế phát triển đồng đều và bổ trợ cho nhau, hướng tới mục tiêu chung là chăm sóc sức khỏe người dân TPHCM cũng như các tỉnh thành lân cận.

TS-BS NGUYỄN PHAN TÚ DUNG, Giám đốc BV Thẩm mỹ JW: Niềm tin về y tế Việt Nam ngày càng lan rộng

Hàng năm, BV Thẩm mỹ JW tiếp nhận rất nhiều người nước ngoài, Việt kiều đến thăm khám và thực hiện các kỹ thuật thẩm mỹ. Họ đều đánh giá tay nghề bác sĩ Việt Nam rất giỏi và chi phí rất rẻ. Năm 2015, BV bắt đầu đặt văn phòng đại diện ở California (Mỹ) thực hiện quảng bá và thu về kết quả rất khả quan, không chỉ góp phần tạo nguồn thu cho BV mà còn phát triển các dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, cơ chế hiện nay cho các BV tư nhân vẫn chưa “mở” dù mảng này mang về nguồn thu cực kỳ lớn cho đất nước; do đó BV tư nhân rất cần sự quan tâm đầu tư đúng mức về chi phí vay vốn ưu đãi, thuế phí, đất đai…

Tin cùng chuyên mục