Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Liên kết, kêu gọi vốn đầu tư quốc tế

Thời gian qua, TPHCM đã có nhiều chính sách đồng bộ nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST). Nhờ đó, hoạt động khởi nghiệp tại thành phố được đánh giá đi đầu cả nước, hình thành mối liên kết với các cộng đồng KNĐMST trong khu vực và thế giới, giúp nhiều chương trình, dự án bước đầu đạt hiệu quả.
Tập đoàn Alibaba giới thiệu nhiều chương trình hỗ trợ startup Việt Nam đầu tháng 4-2023
Tập đoàn Alibaba giới thiệu nhiều chương trình hỗ trợ startup Việt Nam đầu tháng 4-2023

Hỗ trợ dự án khởi nghiệp

Hệ sinh thái KNĐMST tại TPHCM hình thành và bắt đầu hoạt động từ năm 2016. Đến nay, đã có 34 cơ sở ươm tạo/tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; 10 không gian làm việc chung; hơn 100 trường đại học và cao đẳng có hoạt động đổi mới sáng tạo; hơn 60 quỹ đầu tư và hơn 250 chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp. Trong 5 năm vừa qua, TPHCM liên tục tổ chức các cuộc thi về KNĐMST, thu hút hơn 2.000 dự án tham gia, trong đó có khoảng 250 dự án đã được lựa chọn, đưa vào các chương trình ươm tạo, vườn ươm…

Trong hoạt động KNĐMST, chương trình hỗ trợ dự án KNĐMST (Speedup) là một điểm sáng đáng ghi nhận. Speedup bắt đầu từ năm 2017, đến năm 2022 có 242 dự án đăng ký tham gia, 61 đơn vị khởi nghiệp được xét hỗ trợ (9 dự án gọi được vốn, 2 dự án hoàn trả kinh phí cho chương trình, 7 dự án gọi được vốn cho giai đoạn tiếp theo thuộc các lĩnh vực thương mại điện tử, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ giáo dục…).

Bà Phan Thị Quý Trúc, Phó trưởng Phòng Công nghệ và thị trường công nghệ, Sở KH-CN TPHCM, cho biết: “Speedup năm 2023 của TPHCM sẽ ưu tiên các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ cho khu vực công, chuỗi khối (blockchain), y tế, giáo dục... Khi tham gia Speedup, doanh nghiệp được hỗ trợ một phần kinh phí phát triển dự án thông qua các vườn ươm, trung tâm tăng tốc khởi nghiệp… với hình thức nhiệm vụ KH-CN. Kinh phí hỗ trợ tối đa 2 tỷ đồng/dự án từ ngân sách, thời gian hỗ trợ tối đa 2 năm”.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, qua đánh giá của các chuyên gia, hoạt động khởi nghiệp của TPHCM đang đi đầu cả nước, góp phần hình thành mối liên kết với các cộng đồng KNĐMST trong khu vực và thế giới. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, nhiều công ty công nghệ lớn đang sa thải lao động, đã tác động nhất định đến thị trường KNĐMST trên toàn cầu. Do đó, lãnh đạo Sở KH-CN cũng kêu gọi cộng đồng khởi nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội, tích cực đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo khu vực công, đặc biệt là các chương trình liên kết quốc tế nhằm kêu gọi nguồn vốn nước ngoài.

Linh hoạt tìm hướng đi riêng

Theo kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST quốc gia đến năm 2025” của TPHCM, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ 300 dự án KNĐMST, 100 doanh nghiệp KNĐMST, trong đó có 20 doanh nghiệp KNĐMST gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm; ký kết chương trình hợp tác với đối tác quốc tế tại ít nhất 3 hệ sinh thái KNĐMST có uy tín trên thế giới…

Để đạt được mục tiêu trên, TPHCM đề ra nhiều giải pháp, trong đó có các chương trình hỗ trợ thủ tục cho nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước thông qua các đại diện KH-CN, đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài tiếp cận thị trường quốc tế.

Trong đó, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN (SIHUB) - một trong những đơn vị đầu mối tổ chức các hoạt động KNĐMST tại TPHCM - đã liên tục triển khai nhiều chương trình để giúp doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) tìm kiếm hợp tác quốc tế, như chương trình ươm tạo liên kết cùng EXPARA (Singapore) trong việc ươm mầm, đầu tư vốn mạo hiểm; chương trình chuyển giao công nghệ Việt - Hàn (B2B Matching); ký kết với nhiều đối tác lớn đến từ Hàn Quốc như Shinhan Future’s Lab (trong chương trình trao đổi startup)…

“Những chương trình hỗ trợ các startup kêu gọi vốn, tìm kiếm thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài hiện diễn ra khá hiệu quả”, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB, đánh giá.

Hiện nay, vốn đầu tư vào startup Việt Nam bị ảnh hưởng do lãi suất toàn cầu tăng nhanh và thị trường biến động mạnh. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, hoạt động đầu tư mạo hiểm trong năm 2023 không mấy hứa hẹn, startup Việt Nam cần linh hoạt tìm lối đi riêng và nhanh hơn mới có thể gọi được vốn lớn từ quốc tế.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, số vốn thu hút đầu tư cho các startup Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước. Đơn cử như cách đây vài năm, Ấn Độ đã thu hút 13 tỷ USD vốn đầu tư cho các dự án khởi nghiệp chỉ trong 3 tháng. Do đó, tại TPHCM, Sở KH-CN cũng đang hướng đến các chương trình liên kết quốc tế nhằm kêu gọi nguồn vốn nước ngoài cho các dự án KNĐMST trong nước.

TPHCM hiện có gần 2.000 startup, trong đó, tỷ lệ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin chiếm 65%; nông nghiệp công nghệ cao, chế biến tinh lương thực - thực phẩm chiếm 21%; công nghệ sinh học, hóa dược chiếm 11%; các lĩnh vực khác là 3%.

Tin cùng chuyên mục