Khởi nghiệp từ lịch sử

Khi Đoàn Nhật Quang (31 tuổi) thành lập dự án Việt sử giai thoại - về sau được phát triển thành Công ty Lạc Khởi, rất nhiều người tỏ ra bất ngờ. Họ nhận ra, lịch sử đã không còn nằm yên trong những trang sách mà đi vào cuộc sống một cách gần gũi và quan trọng hơn là hoàn toàn có thể phát triển theo hướng thương mại.

Học lịch sử theo cách bình dân nhất

Mặc dù yêu và đam mê lịch sử, nhưng sau khi tốt nghiệp Khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH-NV TPHCM vào năm 2012, Đoàn Nhật Quang không chọn đi dạy hay nghiên cứu mà chuyển sang làm việc tại các tập đoàn. 

Quang kể, lúc mới đi làm, nhiều người thường hỏi: “Học lịch sử thì liên quan gì đến kinh doanh?”. Theo anh, lịch sử liên quan đến kinh doanh lẫn quản trị. Một doanh nghiệp có trăm người đã được gọi là nhiều, nhưng trong lịch sử có những tướng lĩnh quản lý cả triệu quân, rải rác khắp mọi nơi trong giai đoạn phương tiện liên lạc thiếu thốn, phải ẩn nấp trong rừng rú…

“Tại sao họ vẫn quản lý được, rồi họ đưa ra quyết định như thế nào? Từ những bài học đó, tại sao mình không ứng dụng vào kinh doanh cách họ quản trị, động viên con người, khi đánh trận chuẩn bị lương thực như thế nào. Nếu liên tưởng và chủ động áp dụng, mình sẽ học được rất nhiều từ lịch sử”, Đoàn Nhật Quang chia sẻ.  

Khởi nghiệp từ lịch sử ảnh 1 Chỉ trong thời gian ngắn, Đoàn Nhật Quang tập hợp được nhiều bạn trẻ có đam mê lịch sử và cùng chí hướng với mình (Ảnh chụp trong những ngày dịch Covid-19 chưa ảnh hưởng tới cộng đồng)

Vào tháng 2-2019, Nhật Quang thành lập fanpage và website Việt sử giai thoại, là nơi đăng tải những bài viết liên quan đến lịch sử do Quang là người trực tiếp nghiên cứu, tìm tòi rồi chấp bút. Vì chưa đủ lực nên thời gian đó, Quang làm theo kiểu thăm dò nhưng giấc mộng “kiếm tiền từ bài học về lịch sử” đã được anh xác quyết. Anh không muốn Việt sử giai thoại chỉ là một dự án xã hội, làm cho vui mà phải biến thành một start-up chuyên nghiệp. Bởi muốn truyền tải một giá trị nào đó đến mọi người, trước hết anh phải tự nuôi được mình, phải có tính thương mại trong đó thì mới bền vững được.

Tháng 9-2020, Việt sử giai thoại được một tập đoàn rót vốn với số tiền 100.000 USD, trở thành doanh nghiệp start-up (khởi nghiệp) đầu tiên về lịch sử gọi được vốn đầu tư. Quang nghỉ việc ở tập đoàn cũ để về làm “thuyền trưởng”, bắt đầu xây dựng đội ngũ cùng mình ra khơi. Chưa đầy 1 năm, Việt sử giai thoại ra mắt bộ sưu tập áo thun gồm 22 nhân vật lịch sử, đưa ra thị trường và chứng minh một công ty làm về lịch sử, nếu đúng hướng vẫn có thể tạo ra nguồn thu. Dự án còn ra mắt ứng dụng mạng xã hội cùng tên về lịch sử. 

Không ngại cạnh tranh

Khi mọi việc đang thuận buồm xuôi gió thì tháng 4-2021, tập đoàn gặp khó khăn về kinh tế, Việt sử giai thoại là một trong những công ty con buộc phải quy hoạch lại. Đoàn Nhật Quang kể, lúc đó anh băn khoăn giữa việc dừng lại hay tiếp tục. Nhưng rồi với đam mê cùng ý niệm đã có, Quang quyết định lấy số tiền gần 800 triệu đồng dành dụm trong thời gian đi làm để gầy dựng một start-up mới. Đó chính là Lạc Khởi của hiện tại. 

Quang nói, Lạc Khởi là sự tiếp nối dựa trên tâm huyết, ý niệm cũng như đội ngũ nhân lực từ trước. “Việt sử giai thoại chỉ mất đi cái tên, nhưng con người, kinh nghiệm, con đường và cách làm thì vẫn còn đó. Tôi tin là mình có thể gầy dựng rất nhanh từ những cái đã có sẵn. Bởi bất kỳ start-up nào, con người vẫn là vốn quý nhất”, Quang bày tỏ. 

Giờ đây, Lạc Khởi đã tập hợp được những người trẻ, đa phần thuộc thế hệ 9X, có đam mê lịch sử và cùng chí hướng với Quang. Một số thành viên đã là những cái tên quen thuộc trong cộng đồng yêu lịch sử như Phạm Vĩnh Lộc, Thành Châu (tác giả tiểu thuyết Hỏa Dực), Đỗ Xuân Giang, Ngọc Trâm… Chỉ trong 2 tháng, Lạc Khởi đã ra mắt bộ sưu tập áo thun mang tên Khởi, lấy cảm hứng từ lịch sử và văn hóa Việt, đồng thời đáp ứng được tiêu chí mà thị trường cần - đó là đẹp và chất lượng. Tháng đầu tiên, doanh thu của Lạc Khởi đạt 150 triệu đồng, đến tháng thứ hai thì doanh thu gấp đôi. Đây là một tín hiệu khả quan, nhất là với một start-up non trẻ, lại hoạt động trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. 

Lạc Khởi tiếp tục khai thác những sản phẩm mang tính ứng dụng như giày, xăng đan, ba lô, vali… Mỗi sản phẩm kèm bộ postcard (có mã QR) về 3 câu chuyện lịch sử: Huyết chiến Bạch Đằng giang, Tây khởi nghĩa Bắc thu công và Lam Sơn dấy nghĩa.

“Tôi tin, người Việt Nam vẫn dành sự quan tâm nhất định đến lịch sử. Vấn đề ở đây là cách truyền tải chưa được hấp dẫn, sinh động. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là làm sao truyền tải sử Việt đến đông đảo mọi người, để mọi người biết được những kiến thức cơ bản nhất, tránh tình trạng có những em học sinh không biết Quang Trung và Nguyễn Huệ là một hay hai người như báo chí từng phản ánh”, Nhật Quang chia sẻ. 

“Tôi không ngại cạnh tranh mà rất mong sẽ có nhiều người cùng làm. Bởi vì, giống như ý niệm ngay từ đầu là muốn truyền tải tình yêu lịch sử đến đông đảo mọi người, nếu có nhiều đơn vị cùng làm, mục tiêu đó sẽ nhanh chóng đạt được”, Quang lý giải.

Tin cùng chuyên mục