Không cào bằng chất lượng học sinh phổ thông

(SGGP).– Ngày 25-12, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức phiên giải trình của Chính phủ về việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục mầm non và bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông.

Tại phiên giải trình, 4 nội dung quan trọng về đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non; cơ sở vật chất, tài chính cho giáo dục mầm non; kế hoạch và kết quả thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; chương trình sách giáo khoa phổ thông đã được đại diện Chính phủ và các đại biểu Quốc hội tập trung làm rõ.

Trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá chương trình, sách giáo khoa, tiếp thu có chọn lọc ý kiến của những nhà khoa học và nhà giáo để điều chỉnh những nội dung cần thiết. Ngành giáo dục cũng sẽ tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền tiếp tục thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và từng bước nâng cao tỷ lệ phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh tầm quan trọng của yêu cầu phối hợp giữa các bộ, ngành và chính quyền các địa phương vì “sự nghiệp giáo dục là của toàn dân”, không riêng ngành giáo dục. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng yêu cầu ngành giáo dục trong thời gian tới cần tiếp tục xây dựng các văn bản pháp quy liên quan đến giáo dục phổ thông và tiếp tục hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa đi đôi với việc đổi mới công tác quản lý trong bậc học phổ thông; tăng cường công tác kiểm tra, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Ngành giáo dục cần đặc biệt quan tâm đến vùng khó khăn, có tiêu chí đặc thù để đánh giá chất lượng học sinh, không cào bằng nhưng vẫn phải bảo đảm mặt bằng chất lượng giáo dục.

A.Thư

Tin cùng chuyên mục