Không củng cố đạo đức, không thể phòng ngừa tội phạm

Ngày 13-10, HĐND TPHCM và Đài Truyền hình TPHCM tổ chức chương trình Lắng nghe và trao đổi với chủ đề Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TPHCM - Thực trạng và giải pháp. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, tham dự.
Quang cảnh chương trình Lắng nghe và trao đổi tháng 10. Ảnh: hcmcpv
Quang cảnh chương trình Lắng nghe và trao đổi tháng 10. Ảnh: hcmcpv

Tội phạm dắt dây tội phạm

Về bức tranh an ninh trật tự trên địa bàn TPHCM, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TPHCM, cho biết, 9 tháng đầu năm 2019, TPHCM xảy ra gần 3.000 vụ phạm pháp hình sự, giảm 271 vụ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, việc giữ gìn an ninh trật tự còn đối mặt với nhiều thách thức. Những tội phạm trực tiếp gây bất an cho đời sống người dân là trộm cắp, cướp, cướp giật (các tội về xâm phạm tài sản) tuy được kéo giảm nhưng vẫn chiếm tới 75% tổng số vụ phạm pháp hình sự. “Cứ 100 vụ phạm pháp hình sự thì có tới 75 vụ trộm cắp, cướp, cướp giật. Vì thế, người dân thấy bất an”, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang nhận xét.

 Đi sâu vào tính chất tội phạm, Phó Giám đốc Công an TPHCM phân tích, những năm gần đây, đối tượng phạm tội có xu hướng trẻ hóa, tính bạo lực gia tăng. Tội phạm núp bóng doanh nghiệp có thủ đoạn tinh vi, biết luật để lách luật. Các hoạt động phạm pháp liên quan đến “tín dụng đen” đang dắt dây, hệ lụy cho nhiều tội phạm khác - như bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, thậm chí là giết người. Một số vụ xuất phát từ “tín dụng đen” nhưng kết thúc lại là giết người. Trong khi đó, tội phạm liên quan đến ma túy là “tội phạm của các loại tội phạm”, tỷ lệ số vụ phạm pháp hình sự mà đối tượng phạm tội có sử dụng ma túy đang rất cao.

Trong chương trình, nhiều cử tri cũng bày tỏ lo ngại và góp ý cho công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn TPHCM. Cử tri Lý Nhơn Thành (quận 1) đề nghị chính quyền có biện pháp xử lý với các trò chơi từ máy bắn cá, máy bắn game vì đây là một dạng cờ bạc trá hình. Cử tri Trần Thị Thanh Thủy (quận 2) đề nghị có giải pháp xử lý các trường hợp loa kẹo kéo, hát karaoke gây ồn ào quá giờ. Cử tri Dương Quang Thọ (quận Gò Vấp) đề nghị cần phổ biến các thủ đoạn, phương thức mới của tội phạm tới tận người dân, nhất là những người dân tạm trú.

Dẫn chứng nhiều vụ việc, vụ án đòi nợ theo kiểu xã hội đen, nhiều “điểm đen” tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm… tồn tại suốt thời gian dài, cử tri Nguyễn Thị Tố Trâm (quận Bình Tân) cho rằng, chính quyền địa phương, người đứng đầu địa phương đó không thể vô can và phải chịu trách nhiệm, bởi không lý gì người dân biết mà chính quyền cơ sở không biết, công an phường không biết.

Phòng ngừa xã hội rất quan trọng

Cùng với góp ý của người dân, các cơ quan chức năng cũng đưa ra nhiều giải pháp. Bà Phạm Hạnh Thủy, Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, đề nghị TPHCM cần cai nghiện tập trung hiệu quả, tránh các vụ “ngáo đá” rồi thảm sát; kiên quyết xử lý trách nhiệm các chủ cơ sở để xảy ra vi phạm trong cơ sở kinh doanh của mình; kết quả xử lý tin báo, tố giác tội phạm của người dân phải được công khai để người dân tin tưởng, tích cực tham gia phòng chống tội phạm.

Ông Nguyễn Nhật Nam, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM, cho biết, các cơ quan tố tụng sẽ phối hợp tốt hơn để giải quyết nhanh các vụ án. Đề nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra tình hình tội phạm phức tạp.

Bà Triệu Lệ Khánh, Phó chủ tịch UBMTTQ TPHCM, cho hay, MTTQ sẽ phối hợp rà soát lại các mô hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bởi hiện nay “có nhiều mô hình song thực tế có mô hình không hiệu quả”. Đồng tình, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cũng khẳng định, sẽ rà soát lại 83 mô hình; mô hình nào không hiệu quả thì sẽ nghiên cứu cách làm khác sát thực tế hơn.

TPHCM có gần 30.000 người mãn hạn tù (trong đó 60% có việc làm tương đối ổn định), Phó giám đốc Công an TPHCM mong muốn có sự chung tay của cộng đồng, giảm bớt sự kỳ thị, giúp người lầm lỡ có cơ hội làm lại cuộc đời. Với nhóm tội phạm lừa đảo, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các cuộc điện thoại gọi tới mà đầu dây bên kia tự xưng là người của cơ quan công an, kiểm sát, thuế… “Cơ quan nhà nước không làm việc qua điện thoại, hỏi cái này, cái kia rồi dẫn dụ, yêu cầu người dân nộp tiền. Các trường hợp như vậy là có dấu hiệu lừa đảo”, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang chỉ rõ.

Đồng thời, Công an TPHCM có chuyên đề đấu tranh, kéo giảm các vụ trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản; tập trung trấn áp tội phạm ma túy; xử lý nghiêm các hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; ứng dụng CNTT, trong đó có hệ thống camera, để phòng ngừa, truy xét tội phạm… Để triệt tiêu, kiềm chế được nguyên nhân và điều kiện phạm tội một cách căn cơ, theo Phó giám đốc Công an TPHCM, việc phòng ngừa xã hội là rất quan trọng. Thực tế hiện nay, rất nhiều vụ án xảy ra, ban đầu là 2 - 3 người đi ăn nhậu với nhau, phút chốc sinh ra cự cãi rồi bộc phát giết người.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho rằng: “Nếu không bồi đắp, nâng cao nền tảng đạo đức, không xây dựng quy tắc ứng xử chuẩn mực thì lực lượng công an cũng rất khó kéo giảm được tội phạm hành động với tính chất bộc phát như vậy”.

Dân báo tin nhưng không được giải quyết tốt

9 tháng đầu năm 2019, người dân báo tới cơ quan chức năng 12.000 tin báo về an ninh trật tự. Lực lượng công an cũng tiếp nhận 164 tin báo, tố giác lừa đảo bằng công nghệ cao với số tiền 240 tỷ đồng và 1,2 triệu USD. Trong xử lý tin báo của người dân, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang thừa nhận, vẫn còn một bộ phận công an địa phương xử lý chưa tốt tin báo, tố giác tội phạm của người dân khiến người dân giảm lòng tin. Người dân thấy công an xử lý chưa tích cực thì không báo nữa, không tố giác nữa và thực tế đã xảy ra một số vụ án rất thương tâm. Công an TPHCM đang khắc phục, nâng chất lượng đội ngũ công an ở cơ sở và “mong người dân hãy giám sát lực lượng công an”.

Tin cùng chuyên mục