Sáng kiến có tên gọi No one goes to sleep hungry (Không để ai ôm bụng đói đi ngủ), với mục tiêu hỗ trợ hàng triệu người nghèo, người có thu nhập bấp bênh trên cả nước. Theo đó, những người cần giúp đỡ có thể nhận những bữa ăn miễn phí 2 lần/ngày tại nhiều địa điểm như: gần các bệnh viện, các bến xe buýt và những địa điểm công cộng.
Với những người lao động rơi vào cảnh mất thu nhập trong mùa dịch như anh Aftab Khan, sáng kiến chính là “phao cứu sinh”. Công việc hàng ngày của anh Aftab Khan là bán phụ kiện điện thoại gần bến xe buýt ở thành phố Rawalpindi. Suốt 10 năm bán hàng dạo, thu thập hàng ngày của Aftab Khan dao động từ 1.000 - 1.200 rupee (13 - 16,53 USD), nhưng phần lớn số tiền này anh gửi về nhà ở huyện Swabi, miền Tây Bắc Pakistan. Kể cả khi dịch bệnh chưa xảy ra thì việc được ăn ngon mỗi ngày với anh cũng thật xa xỉ. Vì vậy, khi chính quyền áp dụng các biện pháp phong tỏa, hầu hết những hoạt động kinh doanh tạm ngừng, anh cũng gần như phải nhịn ăn thường xuyên để dành khoản tiền ít ỏi nuôi sống gia đình. Trong lúc khó khăn bủa vây, Aftab Khan đã biết đến “No one goes to sleep hungry” qua thông tin từ một vài người bạn. Trước đây, anh dành khoảng 300 rupee (4,1 USD)/ngày để mua thức ăn, nhưng từ khi biết đến chương trình hỗ trợ trên anh đã được nhận những phần thực phẩm chế biến tươi ngon và miễn phí từ những chiếc xe tải rong ruổi khắp thành phố. Nhờ đó, cuối tháng Khan có thêm một khoản tiền tiết kiệm để gửi về cho gia đình.
Chính phủ Pakistan dự định triển khai thí điểm sáng kiến tại thành phố Islamabad và Rawalpindi trước khi mở rộng ra các vùng khác trên cả nước. Giới chức Pakistan kêu gọi các nhà tài trợ tư nhân tham gia đóng góp để tạo cơ sở tài chính bền vững hơn cho chương trình. Theo ước tính của Chính phủ Pakistan, phong tỏa kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến 24,9 triệu người lao động nước này. Trong tháng 3 năm nay, Chính phủ Pakistan tuyên bố dành khoản ngân sách 1,2 tỷ USD để hỗ trợ cho hơn 16 triệu gia đình có thu nhập thấp, rơi vào cảnh nghèo đói trong mùa dịch.
Theo dự báo của giới chuyên gia xã hội, sáng kiến sẽ tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới. Giữa đại dịch, tuy kinh tế khó khăn, nhưng người Pakistan vẫn đoàn kết để giúp những cảnh đời kém may mắn hơn theo nhiều cách khác nhau. Một trong số đó là nộp zakat, thuế từ thiện truyền thống trong đạo Hồi. Zakat là một trong những nghĩa vụ quan trọng nhất của các tín đồ đạo Hồi. Trong tiếng Arab, zakat nghĩa là “thanh lọc” những của cải dư thừa. Một tín đồ buộc phải dành ra 2,5% tài sản tích lũy hàng năm để làm từ thiện. Điều này xuất phát từ đức tin rằng thế giới là vô thường, tất cả có được đều nhờ lòng nhân từ của tạo hóa, do đó zakat hiện thực hóa ý tưởng những người kém may mắn hơn, giúp họ có một phần trong những thứ mà cộng đồng tạm thời sở hữu.
Nhiều người Pakistan đã đóng góp zakat nhiều hơn 2,5% của cải, trong khi những người khác không đủ điều kiện nộp zakat cũng làm từ thiện nhiều nhất có thể. Đến nay, những đóng góp này đang được huy động để làm các gói raashan (khẩu phần) hàng tháng và các mặt hàng như bột mì, dầu, đường, bơ, trà cho những người nghèo trong đại dịch.