Không để xảy ra thảm họa về môi trường trên vùng biển Quy Nhơn

Các cơ qua chức năng thống kê, ngoài vùng biển Quy Nhơn hiện có 8 xác tàu bị chìm (trong đó 7 chiếc chìm hẳn), lực lượng chức năng đang trình phương án để trục vớt những xác tàu, xử lý tình trạng dầu tràn ra vùng biển.

Ngày 7-11, Bộ Trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã đến Bình Định chủ trì cuộc họp đưa ra phương án trục vớt, giải cứu những tàu hàng bị nạn ở vùng biển Quy Nhơn (Bình Định) không để xảy ra thảm họa về môi trường trên vùng biển này.

>>> Video ứng phó với sự cố chìm tàu tại Bình Định:

Sự cố chưa từng xảy ra…

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã báo cáo tình hình mưa bão và đặc biệt là sự cố các tàu hàng bị nạn tại vùng biển Quy Nhơn do bão số 12 gây ra. Qua đó, ông Dũng đánh giá, lịch sử tại vùng biển Quy Nhơn chưa xảy ra sự cố nào như vậy. Tỉnh Bình Định đã huy động hết tất cả các lực lương, làm hết những gì có thể để tiến hành tìm kiếm, cứu vớt các thuyền viên. Tạo điều kiện hỗ trợ hết sức về chỗ ăn, sinh hoạt, quần áo… Hiện, Bình Định tiếp tục giao Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cùng phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn (UBQGTKCN) tiếp tục mở rộng tìm kiếm người mất tích trên biển.

Có 8 xác tàu bị đắm trên biển Quy Nhơn

Ông Bùi Văn Vương, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn cho biết: Qua cơn bão số 12 bị thiệt hại ở Cảng biển Quy Nhơn đây là 8 tàu đặc biệt có tàu FEI YUE 9 Quốc tịch Mông Cổ đang chạy trong bão, thuyền trưởng quyết định đưa tàu lên đá để cứu thuyền viên.

Hiện nay tàu này bị sóng đập vào đá chồng chềnh sắp bị vỡ két chứa dầu. Trên tàu hiện có 8 tấn F.O và 23 tấn D.O nếu tràn ra biển thì ảnh hưởng rất phức tạp.

tàu FEI YUE 9 Quốc tịch Mông Cổ đang mắc kẹt trong mõm đá

Ngoài ra, còn các tàu Biển Bắc 16 đang bị chìm hiện có 10.000 lít tấn D.O; 3.332 tấn Clinker; Tàu Nam Khánh 26 có chở 2.283 tấn Clinker, 20.000 lít D.O; tàu Hà Trung 98 có 2.897 tấn gạo; 5.000 tấn D.O; Hoa Mai 68 chở 3.095 tấn apatit và 20.000 D.O; Tàu Sơn Long 08 chở 2.987Clinker; 8.000 lít D.O; tàu An Phú 168 chở 590 tấn bã sắn, 8.000 D.O ngoài ra còn tàu Jupiter bị bỏ 10 năm nay rồi do đơn vị này mua để kéo về Hải Phòng sửa tàu này bị chìm không có dầu, chỉ có xác tàu.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng lưu ý: “Đây là lần đầu tiên Bình Định xảy ra trường hợp như thế này. Bây giờ thì chưa ảnh hưởng gì nhưng khi trục vớt lên thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng và có thể sẽ tràn dầu.”

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng lưu ý không để biển Quy Nhơn xảy ra thảm họa môi trường

Ngăn thảm họa dầu tràn

Bí thư tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh tỉnh rất mong Trung ương, Bộ TN-MT và các ban ngành chức năng  sớm vào cuộc để hỗ trợ trong công tác khắc phục và xử lý sự cố để đảm bảo môi trường ven biển Quy Nhơn.

Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Phó chánh văn phòng UBQGTKCN, Cục phó Cục cứu hộ cứu nạn Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, UBQGTKCN cho biết: “Ngoài ra, hiện tại có tàu Ninh Thuận 68 thì bị mắc cạn nặng, không ra cạn được trên tàu đang có 103 tấn F.O; cần hút dầu ra trước khi hỗ trợ, cứu nan. Về tìm kiếm cứu nạn, đã tìm kiếm được 81/84 người trong đó có 10 người đã chết (mới xác định danh tính được 5 người); Các vị trí tàu chìm có 8 tàu, trong đó 7 tàu đã chìm hẳn. Hiện chưa có dầu tràn ra nhiều, khi trục vớt thì chắc chắn nguy cơ dầu sẽ tràn ra. UBQGTKCN đã điều 14 cán bộ, trang bị của Trung tâm ứng pho sự cố tràn dầu miền Trung đã vào Bình Định để sẵn sàng giải quyết dầu tràn.

Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến đưa ra các giải pháp cứu tàu đắm.

Về các biện pháp trước mắt để ứng phó với sự cố tràn dầu, Thiếu tướng Tiến cho hay: Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, chúng tôi sẽ hỗ trợ về phương tiện, lực lượng cho tỉnh Bình Định. Kiên quyết không để dầu tràn loang ra môi trường biển.

Tàu hàng tàu FEI YUE 9 vẫn đang bị sóng bổ vào mõm đá
 Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã thống nhất với các phương án ứng phó với sự cố tàu hàng bị nạn, tràn dầu. Bộ trưởng Hà chỉ đạo, cần phải tiến hành một cách hết sức bài bản, thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia về phòng chống bão, lũ và đặc biệt phải có sự phối hợp chặt chẻ giữa trung ương và địa phương. Bộ trưởng yêu cầu UBND tỉnh Bình Định phải chỉ đạo Sở Xây dựng tìm vị trí chứa vật liệu, hàng hóa trên các tàu trước khi tiến hành các phương án trục vớt. Công việc đặt ra lúc này là việc xử lý trục vớt cứu hộ tàu hàng, tìm kiếm người mất tích. Phải đảm bảo tính mạng an toàn về người cho đơn vị cứu hộ, trục vớt như thợ lặn…
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà chỉ đạo các đơn vị khẩn trương khắc phục sự cố tràn dầu

Bộ trưởng Trần Hồng Hà lưu ý, nếu không giải quyết được mục tiêu không để xảy ra các sự cố mất an toàn về môi trường thì số lượng dầu này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường trên vùng biển Bình Định và cả các tỉnh khác.

 “Đối với các chủ tàu, tôi hết sức chia sẽ và đau buồn cùng chia sẽ những mất mát của gia đình các thuyên viên bị nạn. Tuy vậy, tôi đề nghị với các chủ tàu phải ký với trung tâm xử lý dầu hợp đồng xem xét các vấn đề cần thiết. Về mặt kinh phí phải tối ưu, tối giản để các chủ tàu giảm bớt đi nhưng thiệt hại. Sau khi chúng ta kiểm tra thực tế thì phải nhanh chóng hình thành một kế hoạch, phương án cụ thể thông qua chủ tịch tỉnh sẽ ký. Và trách nhiệm của các bên liên quan, của Trung ương sẽ phối hợp với tỉnh để giải quyết.”, Bộ trưởng Hà kết luận.

Bộ Trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đi kiểm tra thực tế các tàu hàng bị chìm tại biển Quy Nhơn

Theo đơn vị chức năng, các tàu hàng bị nạn trên vùng biển Quy Nhơn trong bão số 12 đều là tàu “vãng lai”- Đi ngang qua rồi vào trú, tránh bão. Ông Bùi Văn Vương, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn cho biết: Vừa qua cơn bão số 12 , đây là lần đầu tiên trong lịch sử cảng Quy Nhơn tiếp cận một số lượng tàu lớn đến 104 chiếc tàu vào đậu tại cảng, chưa kể những tàu công trình, tài lai kéo, tàu dịch vụ công vụ quá nhiều.

Tin cùng chuyên mục