Không được để mất thị trường bán lẻ

Ngày 27-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Công thương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành công thương. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành công thương. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những thành tích, nỗ lực mà ngành công thương đạt được trong năm 2019. Nhắc lại câu nói của Lê Quý Đôn: “Phi công bất phú, phi thương bất hoạt”, Thủ tướng ghi nhận sự đóng góp quan trọng của ngành công thương với 32 mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị 1 tỷ USD, 8 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD, 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD.Năm 2020, Thủ tướng giao chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu phải chạm mốc 300 tỷ USD, xuất siêu đạt khoảng 15 - 17 tỷ USD (tương ứng khoảng 2% GDP).

Cho rằng công thương là đa ngành, đa lĩnh vực, rất quan trọng, vì vậy Thủ tướng nêu ra 5 vấn đề Bộ Công thương cần lưu ý.

Thứ nhất, cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách dài hạn, nhất quán, hướng tới tăng trưởng ổn định, phân bổ sử dụng nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường. Quy hoạch ngành rất quan trọng, làm chậm có thể cản trở sự phát triển.

Thứ hai, cần nâng cao năng suất nội ngành, phát triển công nghiệp Việt Nam, thay vì phụ thuộc dầu thô, dầu mỏ, sang công nghiệp dựa vào chế biến, sáng tạo. Bộ Công thương cần chủ động đi tắt đón đầu để tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ ba, các cấp, các ngành, địa phương phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, trọng tâm phát triển ngành công thương, tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ ngành công nghiệp, tăng năng suất lao động, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, nhất là công nghiệp chế biến.

Thứ năm, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, qua đó thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, theo dõi sát tình hình để có giải pháp kịp thời. 

Về xây dựng thị trường, Thủ tướng đánh giá, nước ta có dân số gần 100 triệu dân, nội nhu rất lớn, nên Bộ Công thương cần tổ chức tốt thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hóa mạnh, hàng Việt Nam thuyết phục người Việt Nam, không được để mất thị trường bán lẻ. Muốn hiệu quả phải giảm chi phí logistics, hiện nay có những sản phẩm như xoài chi phí logistics chiếm tới 50% là lớn quá, nên Thủ tướng yêu cầu cần có sự đồng bộ hơn giữa công thương, giao thông về kho hàng, vận tải. Cũng cần làm tốt công tác quản lý thị trường, tránh gian lận thương mại. Tạo thuận lợi hơn cho xuất nhập khẩu, trên tinh thần hậu kiểm, chống tham nhũng.

Liên quan đến thị trường và cán cân xuất nhập khẩu, Thủ tướng cho rằng trong năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ quá cao, nên cần đa dạng hóa thị trường hơn nữa. Thủ tướng lo ngại, nếu Mỹ tăng thuế chỉ 5% thì Việt Nam sẽ rất khó khăn về xuất khẩu. Những thị trường quan trọng khác như 28 nước EU, các nước ký hiệp định CPTPP với Việt Nam... là các khu vực thị trường tiềm năng lớn, cần khai thác tốt hơn. 

°Cùng ngày, phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 ngành Tài nguyên và Môi trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, năm 2020 được Chính phủ xem là năm “về đích” hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của giai đoạn 2016-2020, tạo nền tảng cho các mục tiêu, tầm nhìn dài hạn hơn đến năm 2030, 2045.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị ngành Tài nguyên và Môi trường tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: hoàn thiện hệ thống chủ trương, cơ chế, chính sách pháp luật, đảm bảo đồng bộ, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường để khơi thông, giải phóng tối đa và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển. Trong đó trọng tâm là sửa đổi chính sách pháp luật về đất đai; sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện liên thông, đảm bảo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tiếp cận nguồn lực tài nguyên.

Bên cạnh đó, tập trung điều tra, kiểm kê, thống kê các nguồn tài nguyên thiên nhiên; triển khai công tác lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian biển quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch ngành để trình phê duyệt. Đặc biệt, với tài nguyên đất, toàn ngành cần hoàn thành dứt điểm việc rà soát, xử lý đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đa mục tiêu, kết nối liên ngành, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đất đai, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai... 

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cần ưu tiên nguồn lực, tập trung triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; sớm hiện đại hóa, hoàn thiện hệ thống trạm khí tượng thủy văn, hệ thống cảnh báo thiên tai; tập trung hoàn thiện hạ tầng không gian địa lý, tích hợp dữ liệu các nền tảng trong ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và lãnh đạo một số ban, bộ ngành đã nhấn nút ra mắt mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia. Các tổ chức, cá nhân đã có thể đăng ký miễn phí các dịch vụ định vị mà hệ thống cung cấp cho thiết bị của mình tại địa chỉ http://vngeonet.vn.

Tin cùng chuyên mục