Nhạc sĩ violon Nguyễn Hữu Nguyên:

Không khí âm nhạc giờ đã... “nóng” hơn

Không khí âm nhạc giờ đã... “nóng” hơn

Năm 1991, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi violon toàn quốc của Việt Nam, Nguyễn Hữu Nguyên du học ở Pháp. Năm 1997, anh đoạt giải nhất ở Nhạc viện Paris; Giải của Viện hàn lâm Maurice Ravel và cuộc thi Parnasse tại Paris. Từ năm 1999 đến nay, Nguyễn Hữu Nguyên đang chơi ở vị trí bè trưởng thứ ba của Dàn nhạc quốc gia Pháp và là tay violon 1 của nhóm tứ tấu Darius.

* PV:
Dường như năm nào nhạc sĩ Hữu Nguyên cũng dành buổi biểu diễn violon tại TP Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội?

Không khí âm nhạc giờ đã... “nóng” hơn ảnh 1

* Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nguyên: Vâng, ngoại trừ thời điểm hiện tại vì “sự cố” trật khớp tay vào giờ phút cận kề đêm biểu diễn, tôi thật tiếc và cáo lỗi cùng khán giả. Năm 2002, tôi biểu diễn tại Hà Nội. Năm 2004, tôi cùng một số nhạc sĩ trẻ hoặc đang học hoặc đang làm việc tại các quốc gia đã về nước và có buổi gặp gỡ giao lưu âm nhạc trong chương trình “Điểm hẹn tài năng” tại TPHCM. Năm ngoái, tôi đã có buổi hòa nhạc cùng nghệ sĩ piano Bích Trà tại Nhạc viện TPHCM.

* Xin nhắc lại một chút về những bước phấn đấu của Hữu Nguyên về âm nhạc trong thời gian qua?

* Tôi sinh ra ở vùng quê biển Nha Trang. Ba là công chức nhưng rất nghệ sĩ; mẹ là nhà giáo, một người phụ nữ chịu thương chịu khó, đảm đang, nhưng khá vất vả vì có một đức ông chồng và bốn cậu con trai đều mê nhạc. Chính ba là người đã truyền lòng say mê âm nhạc vào các con. Thuở nhỏ, tôi và cậu em trai, Nguyễn Hữu Khôi Nam (hiện cũng đang chơi trong Dàn nhạc quốc gia Pháp) đều được học violon với thầy Võ Chí Hiền ở Nha Trang. Năm 1985, lúc 14 tuổi tôi đã vào Sài Gòn học trung cấp âm nhạc. Thật may mắn, tôi được các thầy giỏi như nhạc sĩ violon Bùi Công Thành, NSƯT Nguyễn Bích Ngọc dìu dắt, chỉ dẫn, khích lệ học trò nung nấu lòng đam mê đối với âm nhạc. Một dấu mốc đáng nhớ nữa khi tôi gặp Maurice Bourgue, một nghệ sĩ nổi tiếng của Pháp trong chuyến ông biểu diễn tại Việt Nam. Sau khi nghe tôi đàn, ông đã dẫn tôi đến Tổng lãnh sự Pháp để xin được cấp visa du học.

* Thế nhưng cậu học sinh Việt Nam đã vượt qua tất cả. Hữu Nguyên luôn cho rằng mình may mắn đã gặp các vị “sư phụ giỏi” ở Việt Nam và ở Pháp?

* Khi sang Pháp, tôi được sự dìu dắt của bà Le Dizès, vị giảng viên nổi tiếng của Nhạc viện Boulogne cũng là nữ nhạc sĩ đầu tiên trên thế giới đoạt giải thưởng Paganini. Nhờ hai năm rèn luyện tại đây đã giúp tôi thi đậu vào Nhạc viện Paris danh giá và uy tín nhất nước Pháp. Cũng từ đây, tôi tiếp tục học cao học nhạc thính phòng. Paris là một trung tâm văn hóa có truyền thống và là môi trường khá tốt để sinh viên các nước có cơ hội sống trong môi trường âm nhạc cổ điển, nhạc thính phòng phương Tây.

* Giai đoạn đầu trước khi thi đậu vào Nhạc viện Paris, hai anh em Hữu Nguyên và Khôi Nam làm thế nào để có tiền ăn học và sống ở đất Paris đắt đỏ?

* Chúng tôi đánh đàn ở dưới tầng hầm xe điện ngầm. Lúc đầu cũng khá khó khăn. Nhưng trong cái rủi cũng có cái may! Tình cờ, hai anh em đã gặp một quới nhơn nghe nhạc dưới métro. Ông ta là một người Pháp rất tốt đã giới thiệu chúng tôi đến các hội từ thiện đánh đàn, kiếm sống. Từ khi được chính thức đậu vào Nhạc viện Paris mới là cơ hội để sinh viên được chơi với khá nhiều dàn nhạc nổi tiếng và đời sống dễ thở hơn. Đây còn là cơ hội giúp tôi gặp gỡ và được hòa nhạc chung với NSND Đặng Thái Sơn. Anh ấy có một căn nhà nhỏ ở Paris và rất vui khi tiếp xúc với nhóm sinh viên Việt Nam. Có lần, chúng tôi rất vinh dự khi được anh mời tham gia hòa nhạc chung, gây quỹ từ thiện hoặc quỹ hỗ trợ giúp việc in từ điển Truyện Kiều.

Khi được chọn vào Dàn nhạc quốc gia Pháp (rất hiếm có nhạc sĩ người châu Á), chúng tôi đã tham gia biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Riêng nhóm tứ tấu Darius là do chính tôi đề xướng và nhóm làm việc thật tâm đắc. Chúng tôi vẫn thường tổ chức biểu diễn khá thú vị. Hiện nay nhóm có “cơ cấu” ngẫu nhiên khá độc đáo: ngoài Hữu Nguyên là nam, ở vị trí cây violon 1, ba tay đàn còn lại đều là... ba nữ nhạc sĩ.

* Một chút nhận xét riêng của Hữu Nguyên khi mỗi năm về thăm và biểu diễn âm nhạc ở Việt Nam?

* Không khí âm nhạc bây giờ đã ... “nóng” hơn rồi. Không khí, không gian giao lưu văn hóa, âm nhạc thật đa dạng, rộng mở với nhiều nhóm ca nhạc quốc tế; ca nhạc dân tộc được trân trọng; ngoài nhạc viện, các tụ điểm, phòng trà đã thu hút người nghe; nhu cầu thưởng thức âm nhạc của khán giả cũng gia tăng v.v...

* Riêng cậu học sinh Nhạc viện cũ có cảm xúc gì khi trở lại “mái nhà xưa”?

* Đi xa, trở về, tôi tìm thấy Nhạc viện như tổ ấm, thật thoải mái, là nơi mình được ngắm lại bóng dáng mình ngày xưa (tôi vẫn luôn được bạn bè nhận xét là người mang một chút tính cách trầm lặng, lãng mạn của đất biển, một chút tính cách năng động của người thành phố). Tôi cho rằng âm nhạc luôn là sự đam mê khám phá vô tận và tuyệt vời. Với kinh nghiệm riêng, tôi nghiệm ra ba điều thành công trong lĩnh vực âm nhạc: năng khiếu; được học với thầy giỏi và sự nỗ lực rèn luyện không ngừng của cá nhân. Các bạn trẻ ngày nay có quá nhiều cơ hội để tiếp xúc, từ môi trường thực tế cho đến việc sử dụng các phương tiện nghe nhìn hiện đại, mạng lưới Internet v.v..., nhưng đừng quên rằng âm nhạc là một thứ lao động nghệ thuật vô cùng cực nhọc. Chìa khóa của sự thành công là bền chí và khổ luyện!

* Cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nguyên. 

KIM ỬNG

Tin cùng chuyên mục