Câu chuyện doanh nghiệp sử dụng lao động theo luật phải trích lại một khoản tiền thu nhập của người lao động để nộp vào Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), nhằm tạo một khoản phúc lợi lâu dài cho người lao động phòng lúc ốm đau, thai sản hoặc lúc hết tuổi lao động… nhưng lại tìm đủ lý do để chây ỳ, trốn tránh nộp cho cơ quan bảo hiểm… đã được nhắc tới từ nhiều năm nay.
Thế nhưng, số liệu nêu ra tại hội nghị trực tuyến về các giải pháp thúc đẩy quá trình khởi kiện, thu hồi nợ đọng BHXH do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và BHXH Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 16-11 cho thấy, tình trạng số tiền nợ đọng, khó thu hồi ngày càng nhiều hơn. Tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, tính đến hết tháng 10-2016, tổng số tiền nợ BHXH của các doanh nghiệp, cơ quan đơn vị trên cả nước đã lên tới 14.237 tỷ đồng, so với kế hoạch thu thì mới đạt 78%. Trong khi con số nợ này hồi cuối tháng 9-2016 chỉ 13.100 tỷ đồng.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu. Ảnh BHXHVN
Theo đại diện Bộ LĐTB-XH, thực tế các doanh nghiệp nợ tiền nộp BHXH không phải là nợ nhà nước hoặc Quỹ BHXH mà là nợ chính những người lao động. Trước đây, phần lớn doanh nghiệp nợ tiền BHXH là do khó khăn, không cân đối được thu chi. Tuy nhiên hiện nay, nảy sinh tình trạng nhiều doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chây ỳ nộp để chiếm dụng của người lao động, tái đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Tại một hội nghị tổ chức hồi tháng 10-2016, BHXH Việt Nam cho biết, hiện nay không chỉ doanh nghiệp mà còn có một số địa phương cũng đang nợ tiền BHXH. Trong tổng số 3.653 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm y tế thì có 2.212 tỷ đồng là tiền mà các địa phương phải trích để đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách, chủ yếu là người có công, người cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi... Điều đó cho thấy, nợ đóng BHXH đang có nguy cơ gia tăng, theo thống kê hầu như địa phương nào cũng xảy ra tình trạng này. Bài toán đặt ra bây giờ là công cụ, giải pháp nào để ngăn chặn, không chỉ đảm bảo cho sự bền vững của quỹ phúc lợi trong lâu dài mà còn vì quyền lợi ngay trước mắt của hàng triệu lao động đang hưởng chính sách ốm đau, thai sản và sắp đến tuổi nghỉ hưu.
Theo đại diện BHXH Việt Nam, cái khó hiện nay là Luật BHXH năm 2014 đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, đã bổ sung thêm quy định là trao quyền cho cơ quan bảo hiểm chức năng thanh tra chuyên ngành về tình hình đóng BHXH nhưng lại giao cho tổ chức công đoàn, cụ thể là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyền được đại diện cho người lao động để khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm ra tòa. Trước đây, việc khởi kiện các doanh nghiệp là do cơ quan bảo hiểm thực hiện. Thế nhưng đến tận tháng 9-2016 vừa qua, giữa BHXH Việt Nam và Tổng LĐLĐVN mới ký kết được quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện các hành vi vi phạm về BHXH ra tòa. Hiện nay, tại các địa phương việc phối hợp giữa hai bên còn ì ạch. Vì vậy, sau 10 tháng luật có hiệu lực, Tổng LĐLĐVN xác nhận mới chỉ có duy nhất LĐLĐ TP Đà Nẵng khởi kiện một doanh nghiệp nhưng vẫn chưa có kết quả… Còn đại diện LĐLĐ tỉnh Đồng Nai thì than phiền rằng trong số 20 doanh nghiệp đã bị điểm tên thì có 12 doanh nghiệp được chọn để chuẩn bị khởi kiện nhưng để kiện được thì phải trải qua khá nhiều thủ tục, trong khi cán bộ công đoàn còn thiếu lại hạn chế về kinh nghiệm, kỹ năng tham gia tố tụng.
Tuy nhiên, không phải là không có thuốc để trị tình trạng cố tình trốn đóng BHXH. Mặc dù không được tổ chức khởi kiện doanh nghiệp nhưng cơ quan bảo hiểm đã được giao chức năng kiểm tra, thanh tra và xử phạt các doanh nghiệp vi phạm, cố tình trốn đóng bảo hiểm cho người lao động. Vì vậy, cơ quan bảo hiểm cần phải quyết liệt vào cuộc, nói không với những vi phạm. Đặc biệt, luật đã bổ sung quy định doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm từ 30 ngày trở lên thì phải trả lãi bằng với lãi suất đầu tư của ngành bảo hiểm để ngăn chặn tình trạng cố tình chậm nộp nhằm chiếm dụng tiền BHXH. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, mức phạt theo lãi chậm nộp như hiện nay (11%/năm) vẫn chưa đủ làm doanh nghiệp sợ, mà để có thuốc đặc trị, cần phải hoàn thiện bộ máy nhân lực, bổ sung chính sách cụ thể để kiên quyết lôi các doanh nghiệp vi phạm ra tòa và đây là trách nhiệm của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong việc bảo vệ người lao động; đồng thời, cơ quan BHXH phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, bằng chứng về việc doanh nghiệp trốn đóng, nợ tiền bảo hiểm để kiện.
PHÚC HẬU