Luật Khiếu nại đã quy định rõ: Người giải quyết khiếu nại phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại khi trả lời cho người khiếu nại; nghiêm cấm việc chỉ ra thông báo thay cho quyết định giải quyết khiếu nại. Thế nhưng, vẫn còn không ít trường hợp chưa thực thi đúng, đã gây khó cho người khiếu nại lẫn cơ quan giải quyết khiếu nại.
Cấm nhưng vẫn làm
Bà Trần Thị Hương (ở phường 1, quận Gò Vấp, TPHCM) nhiều năm khiếu nại việc đền bù không thỏa đáng khi nhà nước thu hồi đất để làm đường giao thông. Theo luật định, người giải quyết khiếu nại phải ra quyết định giải quyết khiếu nại, thế nhưng bà Hương chỉ được trả lời bằng thông báo. Đây là cách lách luật của người giải quyết khiếu nại, làm cho bà không thể khiếu nại lần 2 hay gửi đơn khiếu nại lên cấp trên. Vì thế, việc khiếu nại của bà Hương đã kéo dài nhiều năm vẫn chưa xong. Cũng rơi vào hoàn cảnh trên, bà Nguyễn Thị Bích Lan (ở phường Tân Phong, quận 7) đã gần 20 năm mang đơn đi từ cấp quận lên thành phố để khiếu nại việc khu đất không có trong quy hoạch vẫn bị thu hồi. UBND quận 7 nhiều lần thụ lý đơn, nhưng chỉ ra thông báo thay cho quyết định giải quyết khiếu nại. Bà Lan lại phải tiếp tục gửi đơn lên cấp trên. Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra và chỉ rõ trong vụ việc này chính quyền đã thực hiện không đúng quy trình giải quyết đơn khiếu nại của người dân, dẫn đến khiếu kiện kéo dài.
Có nhiều trường hợp người giải quyết khiếu nại chỉ ra thông báo trả lời khiếu nại như trên, nhằm né tránh trách nhiệm của mình trong việc giải quyết. Quyết định giải quyết khiếu nại là căn cứ để người khiếu nại thực thi đúng pháp luật; nếu chưa thấy thỏa đáng khi nhận quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại lần đầu, lần hai, hoặc đưa vụ việc ra tòa hành chính để giải quyết theo luật định. Thông báo trả lời khiếu nại không đúng quy định sẽ gây nhiều khó khăn và thiệt thòi cho người khiếu nại, vì nếu thấy nội dung trả lời không thỏa đáng, người khiếu nại không có cơ sở pháp lý để khiếu nại lần 2 hay đưa vụ việc ra tòa hành chính theo luật định, phải mất đi quyền khiếu nại hợp pháp của mình.
Kiểm tra chấn chỉnh
Đối với chính quyền, khi chỉ ra thông báo thay cho quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại đã né tránh trách nhiệm của mình, còn mọi hệ lụy lại đổ lên người khiếu nại và các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước. Bởi người khiếu nại sẽ gửi đơn vượt cấp, không đúng đối tượng giải quyết đơn. Khi nhiều trường hợp khiếu nại tương tự không được giải quyết đúng quy trình, sẽ dễ dẫn đến tình trạng khiếu kiện tập trung, đông người. Thực tế tại một số điểm nóng, điểm tập trung khiếu kiện đông người kéo nhau về TPHCM hay ra trung ương có phần xuất phát từ việc người giải quyết khiếu nại cấp cơ sở, quận - huyện không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo luật định.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang (bìa trái) tiếp công dân, giải quyết những trường hợp khiếu nại tồn đọng kéo dài. Ảnh: NGỌC GIANG
Theo ông Nguyễn Trung Bình, Phó phòng Pháp chế của Thanh tra TPHCM, người giải quyết khiếu nại và người khiếu nại đều phải nghiêm chỉnh thực hiện Luật Khiếu nại. Luật Khiếu nại quy định nghiêm cấm hành vi ra thông báo thay cho quyết định giải quyết khiếu nại, cho thấy tầm quan trọng của việc ban hành quyết định khi trả lời khiếu nại. Để Luật Khiếu nại đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng, đòi hỏi các cán bộ chính quyền, mà cụ thể là người giải quyết khiếu nại phải làm gương trước. Chính vì thế, UBND TPHCM đã xây dựng chương trình giám sát và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại ở cơ sở giai đoạn 2015-2019; Thanh tra TPHCM cũng đã nhiều lần tổ chức đoàn thanh kiểm tra nhằm chấn chỉnh tình trạng thực hiện không đúng Luật Khiếu nại. Sau những đợt thanh kiểm tra ở các quận - huyện, công tác giải quyết khiếu nại trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến.
TRẦN YÊN