
"Quốc hội khóa XI đã thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng nhiệm vụ của mình” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá như vậy trong báo cáo công tác của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XI (2002-2007) trình bày trước Quốc hội hôm qua, 20-3. Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đề nghị tổ chức và hoạt động của Quốc hội cần phải được kiện toàn theo hướng mở rộng dân chủ, hướng tới xây dựng Quốc hội hoạt động thường xuyên.

Các nữ đại biểu trao đổi bên hành lang kỳ họp.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, hoạt động lập pháp của Quốc hội khóa XI có nhiều tiến bộ cả về số lượng và chất lượng. Trong 5 năm qua, Quốc hội đã xem xét thông qua được 84 luật, bộ luật và 15 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Hoạt động giám sát đã đi vào trọng tâm, có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức; việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng thực chất hơn.
Đúc kết quá trình công tác cả nhiệm kỳ, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nêu ra 7 bài học kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh: “Mọi hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải bám sát đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, nhất là về kinh tế, hoạt động của cơ quan tư pháp…”. Đảng lãnh đạo để Quốc hội thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật theo hướng phát huy dân chủ, thẳng thắn, nâng cao trí tuệ. “Một bài học quan trọng là có gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân thì đại biểu Quốc hội mới hiểu sâu sắc những mong muốn, yêu cầu của người dân. Có như thế, đại biểu Quốc hội mới thực sự làm tròn trách nhiệm là người đại diện cho tiếng nói, ý chí và nguyện vọng của cử tri cả nước, Quốc hội mới thực sự trở thành cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân” - Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nói.
Về phương hướng nhiệm vụ của Quốc hội trong thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Quốc hội khóa XII và các khóa tiếp sau cần tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có chất lượng công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Về công tác xây dựng pháp luật, cần nhanh chóng tăng cường năng lực lập pháp, tiến tới xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất và đầy đủ. Bảo đảm tính dân chủ trong hoạt động lập pháp, tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, đồng thời nắm bắt được ý dân về những vấn đề mà cuộc sống đòi hỏi cần có sự điều chỉnh của pháp luật để ban hành, sửa đổi hoặc bổ sung kịp thời những quy định của pháp luật.
“Ngoài ra, cần nghiên cứu, áp dụng việc xây dựng những dự án luật ngắn gọn, có thể chỉ điều chỉnh một vài vấn đề thật cụ thể, cấp thiết” - Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nói. Về công tác giám sát, cần khắc phục tình trạng giám sát chỉ nặng về chiều rộng mà thiếu chiều sâu; tăng cường giám sát theo chuyên đề, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Chủ tịch nhấn mạnh: “Không thể để tình trạng nể nang, dĩ hòa vi quý trong giám sát. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục của việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn”.
MINH - HÀ - VÂN