Không thể đứng ngoài

Mỹ đánh dấu sự quay trở lại cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu với việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh về thích ứng với biến đổi khí hậu (CAS).
Biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân chính khiến băng không ngừng tan ở Bắc Cực
Biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân chính khiến băng không ngừng tan ở Bắc Cực

Hội nghị này do Hà Lan đăng cai tổ chức theo hình thức trực tuyến hôm 25-1, nhằm tìm ra các giải pháp và kế hoạch ứng phó, bảo vệ tốt hơn người dân và các nền kinh tế trước những tác động của tình trạng nóng lên trên toàn cầu. 

CAS diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khiến lượng khí thải gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu giảm khoảng 7%, nhưng nồng độ ô nhiễm carbon tiếp tục tăng trong năm 2020. Tại hội nghị, đại diện tổ chức môi trường Germanwatch của Đức cho biết, từ đầu thế kỷ 21 đến nay, các thảm họa thiên tai gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu ước tính 2.560 tỷ USD. Gần nửa triệu người đã thiệt mạng trong các thảm họa thiên tai liên quan đến các hiện tượng thời tiết cực đoan trong 20 năm qua. Các nước đang phát triển chịu thiệt hại nặng nề do bão, lũ lụt, lở đất, động đất, nắng nóng...  

Biến đổi khí hậu vốn là vấn đề không được quan tâm trên chính trường nước Mỹ. Trong khi là nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, nhưng cuối năm 2019, Mỹ đã trở thành quốc gia duy nhất đứng ngoài Hiệp định Paris. Đối với Tổng thống Donald Trump khi đó, dường như Hiệp định Paris chẳng khác gì ngoài cam kết ép Mỹ phải chi thêm 100 tỷ USD viện trợ nước ngoài cho phần còn lại của thế giới; chống phá và làm suy yếu nến kinh tế của nước này.

Tuy nhiên, tình hình gần đây đã có sự thay đổi. Trước hậu quả của biến đổi khí hậu, như cháy rừng tàn phá California, mưa lớn gây lụt trên khắp nước Mỹ và hạn hán tàn phá toàn bộ mùa màng ở vùng trung tâm nước Mỹ, có đến 44% số người Mỹ cho rằng, biến đổi khí hậu phải là vấn đề hàng đầu đối với chính phủ, theo cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu Pew Rresearch Center thực hiện.

Kết quả một cuộc nghiên cứu vừa công bố trên Tạp chí Nature Climate Change đã tái khẳng định nguyên nhân của hiện tượng nóng lên toàn cầu xảy ra kể từ sau thời kỳ cách mạng công nghiệp đều do khí thải nhà kính sinh ra trong các hoạt động của con người. Do vậy, chống biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia phải cùng phối hợp giải quyết. Với vai trò siêu cường thế giới, Mỹ không thể ngoài cuộc, khi quỹ thời gian đang không còn hào phóng cho việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính gây hậu quả tồi tệ cho nhân loại.

Tin cùng chuyên mục