Báo chí thời gian gần đây liên tục phản ánh về tình trạng sử dụng nhà, đất công không hiệu quả của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, trong khi đó một số đơn vị khác có nhu cầu lại không có quỹ đất để đầu tư. Trong khi TPHCM phải vay 2.000 tỷ đồng và hiện đang phải xin vay tiếp 5.000 tỷ đồng để chi cho đầu tư phát triển, thì vẫn có những mặt bằng trị giá hàng tỷ đồng nằm phơi sương, phơi nắng (xem Báo SGGP số ra ngày 23-7), đã thực sự trở thành nỗi bức xúc của người dân. Hơn 60% nguồn đất công hiện nay đang được sử dụng không đúng mục đích, là một thực trạng không thể nào chấp nhận được.
Theo tôi, nguyên nhân chính là do sự quản lý hết sức lỏng lẻo của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương từ đó chưa có các biện pháp ngăn chặn sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai của từng đơn vị. Các cơ quan chức năng thì “chuyền nhau” quả bóng trách nhiệm, không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và đơn vị chủ quản. Bên cạnh đó, giá thuê đất công hiện nay còn quá thấp so với giá thị trường nên tâm lý giữ đất để cho thuê lại, hưởng chênh lệch là một thực tế hết sức phổ biến của các doanh nghiệp.
Theo Nghị định 142 về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước của Thủ tướng Chính phủ thì giá thuê đất mỗi năm hiện nay chỉ bằng 0,5% bảng giá đất quy định, khu vực có sinh lợi đặc biệt được thu tiền thuê đất cao hơn nhưng cũng không được phép quá 2% mỗi năm.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng phòng Đăng ký - Kinh tế đất (Sở TN-MT), cho biết, với mức giá này, tổng số tiền thuê đất trong 70 năm (thời gian giao đất dài nhất đối với các doanh nghiệp) chỉ gần bằng số tiền mà doanh nghiệp phải bỏ ra để chuyển nhượng. Do đó, một khi thực trạng bao cấp đất vẫn còn tồn tại thì việc lãng phí vẫn là chuyện “thường ngày”, từ đó tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, hạn chế sự phát triển chung của đất nước.
Để chấm dứt tình trạng lãng phí đất công hiện nay, các cơ quan chức năng cần phải có sự phối hợp đồng bộ với chính quyền địa phương trong việc xác lập lại trật tự về đất đai, thống nhất cách xử lý sai phạm đối với những doanh nghiệp sử dụng đất công sai mục đích. Để “trị” dứt điểm căn bệnh lãng phí, nhà nước cần nâng giá thuê đất công lên ngang mức thị trường, đồng thời khi bàn giao đất phải yêu cầu các doanh nghiệp đưa ra được phương án kinh doanh hợp lý. Đất công là tài sản chung của quốc gia, bất kỳ sự lãng phí nào cũng là có tội với nhân dân.
cafesang2411@.....
Nên thu hồi đất sử dụng lãng phí
Báo SGGP số ra ngày 23-7 đề cập đến tình trạng “Những đại gia ngồi mát ăn bát vàng”: “Hàng ngàn tỷ đồng bị lãng phí theo từng mét vuông nhà đất sử dụng không hiệu quả vẫn tiếp tục… bay xa!”. Hiện nay, cơ chế quản lý thu hồi đất công bị lãng phí, sử dụng sai mục đích vẫn chưa tìm được lối ra. Luật Đất đai quy định giao cho địa phương xử lý, địa phương lại cho hay vấn đề xử lý thuộc quyền của Bộ Tài chính. Sự vòng vèo này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất công tiếp tục bị sử dụng lãng phí.
Với giá đất cho thuê “rẻ như cho” của Nhà nước, các đại gia tiếp tục giữ đất như một nguồn lợi nhuận béo bở. Trong khi đất công bị lãng phí như vậy thì có rất nhiều dự án, công trình công cộng lại thiếu đất để xây dựng. Đó là tình trạng bệnh viện thiếu quỹ đất để mở rộng hoạt động, trường học thiếu cơ sở giảng dạy phải đi thuê mướn.
Từ chuyện lãng phí đất công này mới sinh ra cảnh “trăm dâu… đổ đầu dân nghèo”. Khu vực vùng ven tại TPHCM như Tân Kỳ, Tân Quý, quận 8… vẫn còn những khu dân cư “ổ chuột”. Công nhân làm thuê, sinh viên ở trọ, người lao động nghèo vẫn tá túc trong những khu nhà lụp xụp. Đó là những người “thiếu đất”!
Xưa có câu “tấc đất, tấc vàng”, thời nay doanh nghiệp nhờ đất công mà giàu có, người nghèo góp nhặt cả đời vẫn không có chốn ở đàng hoàng. Chúng tôi thiết nghĩ, cần nhanh chóng thu hồi hàng trăm ngàn mét vuông đất công bị bỏ hoang và sử dụng sai mục đích để giao đất, ưu tiên cho những dự án, công trình công cộng phục vụ người dân.
BÙI NGUYỄN (quận 9 TPHCM)
- Thông tin liên quan:
Nhức nhối lãng phí nhà đất công
>> Bài 1: Những đại gia “ngồi mát ăn bát vàng”
>> Bài 2: “Bó tay” vì… thiếu cơ sở pháp lý?