Không thể lơ là

Để phòng tránh hiểm họa cháy nổ, từ năm 1995 việc sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển và đốt pháo nổ đã bị pháp luật nước ta nghiêm cấm. Vậy mà các hành vi vi phạm này vẫn tiếp tục diễn ra và gây tác hại.

Dịp Tết Nguyên đán năm nay, vẫn có nhiều người muốn trục lợi bằng việc buôn lậu pháo nổ, muốn chơi dại bằng việc tự chế và đốt pháo nổ. Trong những ngày tết, tại các địa phương vẫn có những tiếng pháo lạc lõng của những người “không muốn có tết”. Đó là những thanh thiếu niên ngông nghênh đốt pháo ném ra đường hay vào sân nhà người khác rồi bỏ chạy.

Cũng có một số địa phương rộ tiếng pháo nổ vang trời trong lúc giao thừa như thách thức. Dù chính quyền và công an địa phương đã chú ý tuyên truyền nhắc nhở, nhưng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đắk Lắk... vẫn có rất nhiều người vi phạm. Qua tuần tra, mật phục, Công an Hà Tĩnh đã bắt quả tang, xử lý 130 người đốt pháo nổ trái phép; Công an Đắk Lắk đã bắt quả tang, xử lý 45 người đốt pháo nổ trái phép...

Vì sao dù biết đó là hiểm họa, là phạm pháp, mà nhiều người vẫn liều mạng sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển và đốt pháo nổ? Không thể biện hộ rằng do thiếu ý thức, không biết đây là hành vi sai phạm. Tình trạng đốt pháo tràn lan làm nhiều người chết và bị thương, gây nhiều vụ hỏa hoạn thiệt hại nghiêm trọng chỉ được ngăn ngừa, hạn chế tác hại từ sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ.

Suốt 25 năm qua, cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc, tuyên truyền vận động, và các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng đã vất vả, kiên trì xử lý, ngăn chặn hiểm họa pháo nổ. Tuy nhiên, thực tế nguồn cung nguyên liệu làm pháo nổ chưa được quản lý chặt chẽ. Việc tự chế pháo nổ cũng không phải là khó, trên mạng có rất nhiều video clip hướng dẫn cách tự chế; tìm mua nguyên liệu cũng không khó, nên để làm pháo nổ chỉ cần... liều mạng. Việc buôn lậu pháo nổ qua biên giới cũng chưa thể kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả.

Qua thực trạng pháo nổ vẫn nổ tràn lan ở nhiều địa phương trong Tết Kỷ Hợi, một vấn đề rất quan trọng cần phải quyết liệt chấn chỉnh là không thể lơ là việc quản lý các loại vật liệu nổ. Việc tuồn các đầu đạn, chất nổ phế liệu ra thị trường phải bị xử lý pháp luật thật nghiêm minh, vì nếu đầu đạn, chất nổ phế liệu không được quản lý cẩn trọng sẽ rất dễ xảy ra cháy nổ, hay lọt vào tay kẻ sản xuất pháo nổ, thậm chí lọt vào tay kẻ phá hoại, khủng bố, sát hại rất nhiều người dân. Lẽ ra, nếu biết nghĩ đến những hệ lụy cháy nổ gây chết oan nhiều người, tàn phá, thiêu rụi cả khu dân cư, và chính mình có thể bị tù tội, thậm chí phải bỏ mạng nếu rủi ro xảy ra cháy nổ, thì người ta đã không dám trục lợi bằng việc sản xuất, kinh doanh pháo nổ. Vậy mà vì lòng tham mà có những người đã bất chấp. Do vậy, hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các loại vật liệu nổ nhằm mục đích kinh doanh là phạm pháp, phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để ngăn chặn hiểm họa pháo nổ, có nhiều việc cần làm ngay. Trước hết là buộc dừng hoạt động ngay các cơ sở phế liệu thu mua, tận dụng thuốc nổ từ bom đạn phế liệu. Nên nghiêm túc truy cứu trách nhiệm lãnh đạo địa phương nào để xảy ra thảm họa cháy nổ do cưa bom tận dụng thuốc súng, sản xuất pháo nổ, đốt pháo nổ tràn lan. Năm nào cũng vậy, thời điểm trước tết, các đơn vị biên phòng, hải quan, công an các địa phương vùng biên giới liên tục phát hiện nhiều vụ vận chuyển pháo lậu qua biên giới và đưa đi tiêu thụ ở các địa phương trong nước, có những vụ vận chuyển đến hàng tấn pháo lậu. Do vậy, cần kiểm tra chặt chẽ hơn từ biên giới.

Công an huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) vừa khởi tố vụ án, tạm giam và khởi tố bị can về hành vi gây rối trật tự công cộng đối với 2 thanh niên đã liên tục đốt pháo nổ ném dọc tuyến đường quốc lộ 45 vào tối 28 tháng Chạp vừa qua. Đó là biện pháp hành xử pháp luật đúng và cần thiết. Căn cứ Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25-12-2008 (về việc hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo), hành vi đốt pháo nổ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và tùy từng tính chất, mức độ, hành vi đốt pháo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự.

Để tăng cường công tác phòng chống các vi phạm về pháo nổ, ngăn chặn và làm giảm tình trạng đốt pháo nổ trái phép, các địa phương cần nêu cao trách nhiệm, chỉ đạo triển khai quyết liệt hơn nữa các phương án, kế hoạch phòng chống đốt pháo nổ trái phép.

Tin cùng chuyên mục