Với việc chưa chấp thuận ngay một số đề xuất ưu đãi đặc biệt cho nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, Chính phủ đã gửi đến chính quyền các địa phương cũng như giới đầu tư một thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ: Việt Nam hoan nghênh và cam kết tạo điều kiện tốt cho các nhà đầu tư, nhưng thời “trải thảm đỏ” tùy tiện đã qua rồi. Sẽ không có chuyện các địa phương “xé rào” cạnh tranh không lành mạnh để thu hút đầu tư, cũng như sẽ không có chuyện các nhà đầu tư đua nhau đưa ra những yêu sách có phần “quá đà” trước khi thực sự bắt tay vào việc.
Mới đây, Chính phủ đã có công văn chỉ đạo UBND tỉnh Bắc Ninh về việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Nokia để thành lập Công ty TNHH Nokia Việt Nam (với mục tiêu sản xuất, gia công và lắp ráp điện thoại di động tại Khu công nghiệp VSIP, Bắc Ninh) như đối với một doanh nghiệp chế xuất (thay vì như một dự án công nghệ cao theo đề xuất của tập đoàn này). Khi nào xác định doanh nghiệp hội đủ điều kiện “công nghệ cao” thì sẽ đăng ký để cấp ưu đãi như với doanh nghiệp công nghệ cao.
Cần nói rõ rằng, nếu được hưởng ưu đãi như doanh nghiệp công nghệ cao, Nokia sẽ được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi là 10% trong vòng 15 năm, trong đó 4 năm đầu được miễn thuế (0%) và 9 năm tiếp theo được giảm 50% (còn 5%). Nhà đầu tư còn được miễn thuế nhập khẩu máy móc, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển chuyên dụng để tạo tài sản cố định; nguyên vật liệu xây dựng tài sản cố định trong nước chưa sản xuất được…
So với doanh nghiệp chế xuất (với thuế suất thu nhập doanh nghiệp 20% trong vòng 15 năm, trong đó có 2 năm đầu được miễn thuế và 4 năm tiếp theo được giảm 50% (còn 10%)…; với quy mô dự án có vốn đầu tư lên tới 200 triệu EUR (tương đương 276 triệu USD), sự chênh lệch ưu đãi giữa “công nghệ cao” và “chế xuất” là không hề nhỏ.
Bên cạnh đó, từ tháng 2-2011 - dĩ nhiên khi đó Nokia chưa có GCN đầu tư - tỉnh Bắc Ninh đã có công văn đồng ý hỗ trợ tiền thuê đất hàng năm cho phần diện tích 17,25ha mà Nokia thuê lại của Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh cho toàn bộ thời gian hoạt động của nhà máy.
Quả thực, trong thời buổi kinh tế thế giới khó khăn, việc thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, là một nhiệm vụ chẳng dễ dàng gì. Nhiều KCN, KCX trên cả nước từ đầu năm đến nay không gọi được thêm dự án nào mới, chưa nói gì đến dự án công nghệ cao. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong trường hợp của Nokia, vấn đề không phải là Chính phủ “tiếc” ưu đãi mà là các chính sách ưu đãi đầu tư cần phải được thực hiện một cách nhất quán, có căn cứ thuyết phục trên phạm vi toàn quốc.
Đây là một bước quan trọng tiến tới xóa bỏ tình trạng các địa phương trình Chính phủ xin chấp thuận các cơ chế ưu đãi vượt khung như là những trường hợp cá biệt, riêng lẻ, với mục đích tối thượng là thu hút và giữ chân được nhà đầu tư.
Anh Thư