Khu Bảo tồn Hòn Mun trên vịnh Nha Trang có bị xâm hại?

Cơ quan chức năng đã kiểm tra, phản hồi khi có nhiều thông tin cho rằng hệ sinh thái biển Khu Bảo tồn Hòn Mun trên vịnh Nha Trang (Khánh Hòa) bị suy giảm.

Ngày 9-6, Ban Quản lý vịnh Nha Trang vừa có báo cáo gửi UBND TP Nha Trang về thực trạng, tình hình Khu Bảo tồn Hòn Mun bị xâm hại sau khi có nhiều thông tin đăng tải trên mạng xã hội hệ sinh thái biển khu bảo tồn này bị suy giảm.

Trong đó có nội dung, “dưới đáy biển tan hoang, không còn những đàn cá, không còn nhiều san hô, hải quỳ và nhiều sinh vật biển. Đáy biển đen ngòm, xơ xác”.

 Khu Bảo tồn Hòn Mun trên vịnh Nha Trang có bị xâm hại? ảnh 1 Một cảnh dưới Khu Bảo tồn biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang bị cho là suy giảm sự đa dạng sinh học. Ảnh: Facebook NGUYEN SON

Ban Quản lý vịnh Nha Trang sau khi tiếp nhận thông tin đã tiến hành kiểm tra. Theo kết quả xác minh từ Vịnh Nha Trang, việc suy thoái rạn san hô là do kết quả của nhiều yếu tố tác động, như tăng nhiệt độ toàn cầu, mưa bão, sự bùng phát của nhiều loài địch hại… là một trong điều ảnh hưởng đến hệ sinh thái tại đây. Tuy nhiên, các yếu tố trên mang tính khách quan, toàn cầu, khó kiểm soát và điều chỉnh.

Theo Ban Quản lý vịnh Nha Trang, một số khu vực có rạn san hô phong phú và đa dạng như Hòn Mun, Hòn Một, Hòn Tằm và Đông bắc Hòn Tre hệ sinh thái san hô bị thiệt hại nặng nề đến 70-80% sau cơn bão số 12 Damrey tháng 11-2017 (Hòn Tằm có độ phủ san hô cứng suy giảm đột ngột vào tháng 7-2017 từ 56,8% xuống còn 12,5% vào tháng 12-2017, độ phủ giảm gần 80%, khu vực Bãi Sạn độ phủ giảm trên 70%).

Đến năm 2019, san hô bị tẩy trắng một số khu vực trên vịnh do nhiệt độ nước biển tăng. Qua 3 năm đã có dấu hiệu phục hồi trở lại, tuy nhiên đến cuối năm 2021, khu vực trên tiếp tục bị ảnh hưởng của cơn bão số 9 năm 2021 làm gãy đổ và bị sóng đánh lên bờ tới 70% diện tích phân bố rạn san hô.

Trong khi đó, tốc độ phát triển của san hô tùy thuộc vào từng loài và điều kiện nhiệt độ, độ trong và thức ăn của san hô. Đối với san hô dạng cành, gạc nai mỗi năm tăng từ 0,5 đến 2,5 cm; đối với san hô dạng khối phát triển rất chậm chỉ khoảng từ 0,5 đến 2,5cm mỗi năm; loại nhanh nhất hiện nay cũng chỉ 5-10cm/năm. Hiện nay, hệ sinh thái rạn san hô tại Hòn Mun vẫn đang diễn ra quá trình phục hồi sau bão.

Còn về thông tin “bán bãi”, “đánh bắt tuyệt diệt” tại Khu Bảo tồn Hòn Mun, Ban Quản lý vịnh Nha Trang, thông tin đơn vị xử lý triệt để các hành vi không được phép thực hiện tại nơi này. Trường hợp các cá nhân, tập thể khi sai phạm đều bị xử lý theo quy định.

Ban Quản lý Vịnh Nha Trang cũng đưa ra dẫn chứng đối với những hành vi vi phạm tại đây. Cụ thể, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, đội tuần tra đã ngăn chặn 49 trường hợp khai thác trái phép, trong đó 38 trường hợp câu dắt mực…

Theo Ban Quản lý vịnh Nha Trang, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục triển khai công tác bảo tồn biển; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, nhằm phát huy các nguồn lực, nâng cao nhận thức, khả năng của xã hội trong việc bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị vịnh Nha Trang.

Khu bảo tồn Hòn Mun nằm trong Vịnh Nha Trang cùng các đảo Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Cau…, cùng vùng nước xung quanh. Khu có diện tích khoảng 160km² bao gồm khoảng 38 km² mặt đất và khoảng 122 km² vùng nước xung quanh các đảo.

Nơi đây nổi tiếng, thu hút nhiều người bởi vẻ đẹp dưới đáy biển, được ví như “chốn thủy cung” khi có hệ thống rạn san hô đa dạng như san hô đỏ, san hô sừng nai… với nhiều màu sắc.

Tin cùng chuyên mục