Khu Kinh tế Dung Quất : Đổ xô trồng dứa chờ... đền bù

Lợi dụng việc mở rộng tuyến đường Bình Long - Dung Quất, Trì Bình - Dung Quất phục vụ thi công Nhà máy lọc dầu; việc giải tỏa mặt bằng xây dựng các dự án lớn như: Nhà máy luyện cán thép Tycoons, Khu dân cư Trảng Bông (KKT Dung Quất)... các hộ dân trong KKT này đã ồ ạt trồng dứa ven tuyến đường và trong vùng dự án để... tính tiền đền bù. Trong khi chính quyền địa phương vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn thì dứa tiếp tục được “mọc” lên với tốc độ chóng mặt.

  • Thấy mở đường thì trồng!

Cây dứa vốn không phải là loại cây trồng phổ biến ở tỉnh Quảng Ngãi, tại KKT Dung Quất lại càng không, ấy vậy nhưng qua một đêm, sáng ra đường thấy dứa bạt ngàn. Trước mặt dứa, sau lưng dứa, bên những sườn đồi, trong vườn nhà, ven vệ đường... bất cứ chỗ nào có thể trồng được  là họ trồng.

Trồng nhưng chẳng cần chăm sóc, miễn là nó sống, mà dứa lại là loại cây thích nghi với đất cằn cỗi, xen kẽ dưới các tán keo, bạch đàn... nên trồng đến đâu là thành vườn đến đấy; chưa bao giờ tui thấy người dân quê tui thực hiện “chuyển đổi” cây trồng nhanh như vậy - ông Huỳnh Đức Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.

Thống kê sơ bộ, ở Bình Hòa,  ngót ngét cũng tới 30-40 nhà trồng, ít cũng 1.000 gốc, nhiều thì tới 6.000 - 7.000 gốc. Bà Huỳnh Thị Lẫm, xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, thật thà: Chúng tôi thấy mở đường thì trồng, dân trồng để sau này được Nhà nước bồi thường. Hỏi có biết làm như thế là sai và vi phạm quy định của Nhà nước. Bà Lẫm nói: ngay cả cán bộ công an xã cũng trồng dứa, người dân chúng tui không trồng chỉ có thiệt à…”.

Còn Ông Huỳnh Đức Phụng, thôn Long Bình, cho biết riêng ở thôn này có 10 hộ trồng dứa, trung bình mỗi hộ trồng 2.000-6.000 gốc dứa trên đất của dự án đường Bình Long - Dung Quất... Theo ông Nguyễn Tấn Thịnh - phó ban đền bù tỉnh Quảng Ngãi, tính theo đơn giá đền bù 5.000 đồng/gốc dứa, trung bình mỗi hecta với mật độ khoảng 31.000 gốc (dứa chưa có quả) thì số tiền đền bù là 155 triệu đồng. Nếu dứa có quả, đơn giá đền bù tăng lên 15.000 đồng/gốc, mỗi hecta dứa phải đền bù 375 triệu đồng. Chính vì số tiền đền bù cao, người dân đã bất chấp quy định, trồng dứa trong diện tích đất đã quy hoạch của các dự án, gây khó khăn cho các chủ đầu tư cũng như chính quyền địa phương.

  • Tại quy hoạch “treo”

Ông Huỳnh Đức Nghĩa, cho biết: Năm 1998, KCN nay là KKT Dung Quất được quy hoạch chung, trong đó tuyến đường cũ Bình Long-Dung Quất, Trì Bình - Dung Quất... nằm trong diện nâng cấp, mở rộng phía Tây 7 mét.

10 năm trôi qua, do không thấy khởi công xây dựng, đất lại để trống quá lâu nên người dân “tận dụng” trồng hoa màu để duy trì cuộc sống. 2 năm trở lại đây, khi tuyến đường được bắt đầu “rục rịch”... lại thấy giá đền bù cho cây dứa cao, người dân trong vùng dự án mới đổ xô ra Quảng Nam, Đà Nẵng mua về trồng trên số diện tích ấy.

Một nguyên nhân nữa mà theo ông Nghĩa đó là việc chính quyền địa phương các xã lân cận đã không cương quyết ngăn chặn nên để tình trạng cứ kéo từ xã này qua xã khác. Điển hình tại các xã Bình Phước, Bình Trị, Bình Thuận... nơi điểm đầu của tuyến đường Bình Long-Dung Quất được chuẩn bị khởi công thì cũng là lúc người dân các xã này đem dứa, keo, bạch đàn... về trồng.

Biết là sai quy định, nhưng các xã này vẫn áp giá đền bù, chính vì sự không quyết liệt nên dân Bình Hòa đã a dua... và hệ quả tất yếu là tiền của Nhà nước bị bòn rút công khai. Sao Bình Hòa không có biện pháp ngăn chặn? Ông Nghĩa cho biết: Người dân lén trồng vào ban đêm, địa phương, công an đồn Dung Quất đã theo dõi, mai phục nhưng... chịu!

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục