Khu rừng hóa thạch lâu đời nhất

Theo kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tờ Journal of the Geological Society, các nhà khoa học của Đại học Cambridge và Đại học Cardiff vừa phát hiện một khu rừng hóa thạch lâu đời nhất được biết đến với niên đại khoảng 390 triệu năm.

Ảnh: LIVE SCIENCE
Ảnh: LIVE SCIENCE

Hóa thạch là những thân cây chưa hoàn thiện dài tới 2m cùng với những cành nhỏ được tìm thấy trên những vách đá sa thạch cao ở bờ biển phía Bắc Devon và Somerset, Tây Nam nước Anh (ảnh).

Những cây này, có tên gọi là calamophyton, trông khá giống cây cọ nhưng có thân mỏng và rỗng. Cây hóa thạch được bảo quản dưới dạng thân rỗng chứa đầy trầm tích và khúc thân đổ bị san phẳng theo thời gian, giống như được đúc bên trong lớp đất đá.

Tiến sĩ Christopher Berry, giảng viên tại Đại học Cardiff cho biết, những cây calamophyton này là đại diện cho một phần còn thiếu trong lịch sử thực vật của loài người.

Chúng được cho là có niên đại từ Kỷ Devon cách đây 390 triệu năm, đã phát triển như một phần của khu rừng rộng lớn bao phủ bờ biển phía Đông của lục địa sa thạch đỏ cổ - một phần của châu Âu vào thời điểm đó. Khu rừng hóa thạch Gilboa ở bang New York (Mỹ) trước đó được cho là lâu đời nhất với niên đại 386 triệu năm.

Tin cùng chuyên mục