Khu vườn “độc lạ” của cựu chiến binh ở Tiền Giang

Tận dụng khu vườn cây ăn trái phủ kín xanh mát của mình, một cựu chiến binh ở xã Song Thuận (Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã tạo nên một cảnh quan thiên nhiên kết hợp với những mô hình độc lạ bằng các vỏ chai, bao ni lông, thùng nhựa bỏ… hình thành nên điểm du lịch thú vị thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, đồng thời chữa bệnh miễn phí cho người dân bằng những phương thuốc cổ truyền.
Mô hình thần chai

Mô hình thần chai

Cựu chiến binh đó là ông Đoàn Văn Khanh, năm nay 68 tuổi, người vừa vinh dự được trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng vào tháng 5. Ông Khanh chính là người huy động con cháu, người thân lượm nhặt các lọ chai nhựa, bao bì bỏ, ngoài đường, trôi trên các kênh mương về để kết thành hàng rào…

Thuỷ tạ được kết bằng "ve chai" trên ao sen

Thuỷ tạ được kết bằng "ve chai" trên ao sen

Ông Khanh cho biết, năm 2021, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, ở nhà đi ra vô không biết làm gì, thấy chai lọ trôi trên sông dạt vô các mương rạch nhiều, rồi thùng nước nhựa hư hỏng vùng sông nước này cũng nhiều do bà con trữ nước lâu ngày, ông nghĩ ra việc tận dụng loại “ve chai” này hy vọng góp phần bảo vệ môi trường được phần nào, lại tạo nên một cái gì đó lạ mắt.

Tiểu cảnh được trang trí bằng chai lọ bỏ

Tiểu cảnh được trang trí bằng chai lọ bỏ

“Ban đầu tôi nghĩ làm hàng rào chơi để giảm bớt rác thải xung quanh nơi ở, nhưng càng làm càng thấy thú vị, vậy nên sau đó tôi tiếp tục làm nhà vệ sinh và vài tiểu cảnh khác bằng bao bì, vỏ chai nhựa bỏ. Lớn hơn nữa đó là thủy tạ bằng chai lọ trên ao sen. Không ngờ mô hình lại được bà con gần xa thích thú đến xin chụp ảnh vui chơi.

Thế là lần lượt các sản phẩm bàn ghế, mái che các loại được làm từ bao bì vỏ chai ra đời. Bao bì bỏ được dồn vào trong vỏ chai tạo độ cứng và nặng cũng như tránh móp méo, tôi kết chúng lại với nhau được cố định bằng khung sắt. Bỗng chốc khu vườn nhà thu hút đông đảo người dân đến vui chơi chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội. Dần dần du khách phương xa biết và đến tham quan đã biến khuôn viên vườn nhà thành điểm du lịch từ khi nào tôi chẳng biết”, ông Khanh chia sẻ.

Những bộ bàn ghế được kết bằng chai lọ, thùng nhựa hư hỏng

Những bộ bàn ghế được kết bằng chai lọ, thùng nhựa hư hỏng

Cũng từ đó, khu vườn gần 10.000m2 trồng cây thần kỳ, đinh lăng, chùm ngây, bưởi, mít và hơn 200 cây dừa các loại của ông Khanh lại có thêm một số mô hình trò chơi dân gian để phục vụ bà con gần xa.

Bàn ghế đặt trong nhà hàng trên ngọn dừa

Bàn ghế đặt trong nhà hàng trên ngọn dừa

Ông mở rộng bếp nhà để nấu các món ăn dân dã vùng sông nước: bánh khọt dừa sáp, cháo dừa sáp, gỏi dừa sáp, đặc biệt có dừa bưởi thiên nhiên do ông tự tay nghiên cứu lai tạo từ khi quả dừa còn đang là bông dừa kết hợp với tinh dầu bưởi.

Quán cà phê

Quán cà phê

Ngoài ra, còn có món lẩu cá bưởi (cá chỉ ăn bưởi) và nhiều loại rau vùng sông nước… Hết thảy tạo nên một thực đơn đậm chất miền Tây phục vụ người dân và du khách khi đến tham quan khu vườn.

Nhà hàng

Nhà hàng

Để khách tham quan không nhàm chán, ông Khanh tận dụng vườn dừa của mình để thiết kế và dựng một không gian nhà hàng, cà phê bên ngọn dừa với mô hình cầu thang bắc lên ngọn dừa, lối đi lót chai nhựa và phủ lớp cỏ nhân tạo, ban công, khung bảo vệ an toàn và chắc chắn.

Đưa khách lên ngọn dừa hái dừa

Đưa khách lên ngọn dừa hái dừa

Ông Khanh nói: “Trước giờ hái dừa rất cực, nhất là cây dừa cao. Giờ đây người ta có thể tự tay hái dừa. Không chỉ vậy, du khách còn có thể ngồi ngang với ngọn dừa trên chiếc ghế bằng chai nhựa, thưởng thức các món ăn dân dã, uống nước dừa, cà phê dừa sáp, ngắm vườn cây ăn trái xanh mướt, thần kỳ ra hoa trái đỏ mọng, hóng gió, đặc biệt có thể tự tay hái dừa, hái bưởi… Ai có thể hái được đúng trái dừa sáp thì tôi sẽ mua lại với giá 200.000 đồng/trái. Nếu hái dừa nước thì uống nước và trả phí 70.000 đồng/trái”.

Vườn cây thuốc của ông Khanh

Vườn cây thuốc của ông Khanh

Ông Khanh chia sẻ, vì mô hình còn nhỏ lẻ chỉ để phục vụ bà con gần xa thích trải nghiệm, thư giãn trong những ngày nghỉ nên hiện nay chưa liên kết với các đơn vị lữ hành.

Ở tuổi nghỉ hưu, ông Khanh chăm sóc vườn nhà, trồng rất nhiều cây xanh với hàng chục loài cây thuốc. Cũng tại khu vườn sinh thái này, ông Khanh nhận chữa một số bệnh miễn phí cho người dân bằng phương thuốc cổ truyền.

Tin cùng chuyên mục