Khuyến khích doanh nghiệp trả lương cao hơn quy định

Từ ngày 1-1-2011, mức lương tối thiểu được áp dụng:
  • Từ năm 2011, lương tối thiểu vùng, áp dụng cho lao động làm việc tại doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tăng bình quân 100.000 - 370.000 đồng/tháng
  • Doanh nghiệp điều chỉnh vùng phải tăng lương tối thiểu 2 lần

Theo bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công (Sở LĐTB-XH TPHCM), so với những lần điều chỉnh lương tối thiểu lần trước, lần điều chỉnh lương tối thiểu lần này (áp dụng từ 1-1-2011) về cơ bản không có thay đổi nhiều. Bởi lẽ, nhà nước công bố điều chỉnh lương tối thiểu làm cơ sở cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài tham khảo để trả lương cho người lao động làm công việc giản đơn, trong điều kiện bình thường, không có trình độ tay nghề.

Như thế, tất cả các doanh nghiệp trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài không được trả lương tối thiểu thấp hơn mức quy định tại Nghị định 107/CP và Nghị định 108/CP mới ban hành. Đối với người lao động đã qua học nghề, mức tiền lương thấp nhất trả cho họ phải cao hơn lương tối thiểu vùng ít nhất 7% và nếu làm trong điều kiện, môi trường độc hại thì cao hơn 5%. Mức lương tối thiểu vùng được dùng làm căn cứ tính các mức lương trong thang lương, bảng lương, các loại phụ cấp lương, tính các mức lương ghi trong hợp đồng lao động.

Từ ngày 1-1-2011, mức lương tối thiểu được áp dụng:

Ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài

- Vùng I: 1.550.000 đồng
- Vùng II: 1.350.000 đồng
- Vùng III: 1.170.000 đồng
- Vùng IV: 1.100.000 đồng

Ở các doanh nghiệp trong nước

- Vùng I: 1.350.000 đồng
- Vùng II: 1.200.000 đồng
- Vùng III: 1.050.000 đồng
- Vùng IV: 830.000 đồng

Điểm mới ở lần điều chỉnh lương tối thiểu lần này là Chính phủ thay đổi vùng áp dụng lương tối thiểu đối với một số địa bàn (chủ yếu là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam), theo hướng từ vùng thấp lên vùng cao. Theo đó, mức lương tùy theo vùng sẽ lần lượt được áp dụng với 2 mốc thời gian khác nhau là từ ngày 1-1-2011 và ngày 1-7-2011.

Như thế, các doanh nghiệp được chuyển vùng sẽ phải điều chỉnh lương tối thiểu đến 2 lần. Cụ thể từ ngày 1-1-2011, những doanh nghiệp chưa chuyển lên vùng cao hơn thì vẫn phải nâng lương tối thiểu cho người lao động theo quy định, sau đó đến thời điểm 1-7-2011, sẽ tiếp tục điều chuyển lương tối thiểu từ mức thấp lên mức cao theo vùng mới.

Việc điều chỉnh vùng chủ yếu tập trung ở các địa bàn TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ở TPHCM có 4 huyện được điều chỉnh từ vùng 2 lên vùng 1 là: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè (riêng Cần Giờ vẫn giữ nguyên vùng 2 như cũ).

Việc điều chỉnh lương tối thiểu từ vùng thấp đến vùng cao xuất phát từ đòi hỏi thực tế và kiến nghị của các địa phương về việc trả lương tối thiểu theo vùng chưa phù hợp với tình hình thực tế. Đó là, nhiều địa bàn có mức phát triển như nhau, giá cả sinh hoạt như nhau nhưng vì khác tên gọi (quận, huyện), hoặc địa phương trực thuộc Trung ương hay tỉnh, thì bị ấn định vùng khác nhau, gây khó khăn trong việc thực hiện chính sách lao động, tiền lương.

Chính vì thế việc điều chỉnh vùng áp dụng mức lương tối thiểu cao hơn đã xóa đi sự bất cập trong thực thi chính sách lao động - tiền lương, giúp cải thiện đời sống của người lao động.

Để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, nhà nước luôn có chủ trương khuyến khích chủ sử dụng lao động thực hiện mức lương cao hơn quy định. Về nguyên tắc, việc trả lương, tăng lương cho người lao động dựa trên sự thỏa thuận của hai bên và căn cứ vào trình độ, kỹ năng, chuyên môn tay nghề, năng suất, hiệu quả công việc.

Bà Dân nhấn mạnh rằng, trong tình hình giá cả leo thang, đời sống công nhân lao động đang gặp nhiều khó khăn, việc trả lương, thu nhập phải thỏa đáng - đảm bảo đời sống và có tích lũy một phần. Có như thế, người lao động mới gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và cống hiến hết sức mình.

KHÁNH HƯNG

Tin cùng chuyên mục