Khuyến mãi giảm giá - “Cuộc chiến” không cân sức

Chưa có điểm dừng
Khuyến mãi giảm giá - “Cuộc chiến” không cân sức

Chủ động “bám” theo từng sự kiện, những ngày lễ lớn trong năm để thực hiện các chương trình khuyến mãi là một trong những giải pháp hữu hiệu được các nhà bán lẻ khai thác triệt để, nhằm kích cầu tiêu dùng. Trong bối cảnh mặt bằng giá cả đứng ở mức khá cao so với mức thu nhập bình quân của người dân, thì việc khuyến mãi giảm giá sẽ có lợi cho người tiêu dùng. Các doanh nghiệp (DN) bán lẻ, đặc biệt là các DN trong nước, đang bước vào “cuộc chiến” khuyến mãi không cân sức.

Khuyến mãi làm tăng sức mua của người dân. Ảnh: Kim Ngân

Khuyến mãi làm tăng sức mua của người dân. Ảnh: Kim Ngân

Chưa có điểm dừng

Năm 2012 được xem là một năm đặc biệt khó khăn đối với lĩnh vực phân phối bán lẻ bởi sức mua giảm mạnh. Để hoàn thành kế hoạch doanh thu năm, không còn con đường nào khác, các DN phải đua nhau khuyến mãi giảm giá, thậm chí còn hỗ trợ thêm về giá để ổn định sức mua, kích cầu tiêu dùng.

Nếu trong tháng 10 vừa qua, các nhà bán lẻ lấy tâm điểm là Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 để đồng loạt thực hiện các chương trình khuyến mãi như “Tôn vinh vẻ đẹp Việt”, “Gửi trọn yêu thương” thì bước sang tháng 11, chủ đề chính của khuyến mãi sẽ là “Tri ân thầy cô” nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Nếu những năm trước, các chương trình khuyến mãi thường “chạy vòng ngoài” như bốc thăm trúng thưởng hoặc chỉ giảm giá cho những sản phẩm có sức mua chậm thì nay các siêu thị đều tập trung cho nhóm các mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Theo thống kê sơ bộ, trong khoảng 2.000 mặt hàng đang được bán giảm giá ở các hệ thống siêu thị dịp 20-11 năm nay có đến 80% thuộc nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, dầu ăn, bột ngọt, đường, hàng gia dụng, nước giải khát… So với mức khuyến mãi cùng thời điểm những năm trước, năm nay các siêu thị đều tăng tối đa mức độ giảm giá cho khách hàng, với nhiều mặt hàng có mức giảm giá lên đến 49%, thậm chí có những sản phẩm được giảm giá “sốc” tới 73%. Như trong chương trình “Tri ân gửi đến quý thầy cô” tại hệ thống siêu thị Citimart, trong 3 ngày từ 17 đến 19-11, khi khách hàng mua hàng có hóa đơn trị giá 500.000 đồng, sẽ được mua một số mặt hàng có giá bán chỉ còn 20.000 đồng.  Trong ngày 20-11 Citimart nhân đôi tỷ lệ chiết khấu, thành viên có thẻ được mức giảm giá 6%-10%.

Hệ thống Co.opMart có 1.000 sản phẩm giảm giá đến 50% thuộc nhóm hàng hóa mỹ phẩm, may mặc, đồ dùng… BigC cũng năng động hơn khi triển khai chương trình tặng thiệp chúc mừng miễn phí cho khách hàng khi mua phiếu quà tặng. Ngoài ra, BigC cũng giảm giá 10%-30% cho khoảng 100 mặt hàng được thiết kế dưới dạng hộp quà tặng. Hệ thống siêu thị Lotte Mart cũng giảm giá 49% cho hơn 500 sản phẩm thuộc nhiều ngành hàng. Các trung tâm thương mại MaxiMark giảm giá 10% trên hóa đơn cho khách hàng là giáo viên trong ngày 20-11 và tặng phiếu quà tặng cho khách hàng thành viên...

Cuộc đua không cân sức!

Theo số liệu của một công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu tại TPHCM, trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, chỉ số tiết kiệm tại Việt Nam đã lên đến 70%, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của người châu Á là 59%. 63% người mua sắm quan tâm đến giá cả và họ luôn tìm cách mua sắm tiết kiệm nhất. Cũng trong năm 2012, các chương trình khuyến mãi trở thành yếu tố tác động mạnh nhất đến việc thay đổi lựa chọn cửa hàng và nhãn hàng của người mua sắm. Nói cách khác, khuyến mãi trở thành cứu cánh cho các DN bán lẻ trong tình hình sức mua giảm, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao. Giám đốc một chuỗi siêu thị tại TPHCM cho biết, hiện chi phí cho khuyến mãi đã tăng tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ nay đến cuối năm, nếu sức mua không cải thiện thì chi phí này sẽ chưa có điểm dừng!

Phó tổng giám đốc phụ trách mua của một hệ thống siêu thị lớn tại TPHCM cho biết, từ việc “chạy” theo khuyến mãi, các DN trong nước bắt đầu bộc lộ khá nhiều điểm yếu, mà nếu không khắc phục được chắc chắn họ sẽ thua ngay trên sân nhà. Vị phó tổng giám đốc kể, trong 3 năm gần đây, khi nguyên liệu đầu vào đối với ngành hóa mỹ phẩm tăng liên tục, một số thương hiệu trong nước hiếm hoi không cầm cự nổi đã đề nghị nhà phân phối phải tăng giá bán. Ngặt nỗi, trong thời điểm đó sản phẩm của các tập đoàn nước ngoài vẫn “bình chân như vại”, không những họ không tăng giá mà còn đề nghị đối tác thực hiện các chương trình khuyến mãi dày đặc, vừa giảm giá vừa kết hợp tặng kèm dùng thử sản phẩm mới. Ngay lập tức, doanh thu của nhóm hàng trong nước giảm rất mạnh. Sau đợt khuyến mãi, các sản phẩm có yếu tố nước ngoài mới tăng giá bán, khi đó họ vừa giành được thị phần vừa giới thiệu được sản phẩm mới…

Còn không đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm kinh doanh. Đến thời điểm này, nhiều DN bán lẻ cho biết, về kế hoạch doanh thu lẫn lợi nhuận đều không đạt như mong muốn. Điển hình như tại một hệ thống bán lẻ hàng đầu Việt Nam, doanh thu trong 10 tháng đầu năm 2012 chỉ tăng 20% (bao gồm cả doanh thu của các siêu thị mới mở lẫn mức độ trượt giá). Con số này thấp hơn rất nhiều mức tăng trưởng doanh thu bình quân khoảng 40%-50% của nhiều năm trước. Trong cuộc chạy đua khuyến mãi mà họ cho là không cân sức để giành thị phần, nhiều DN bán lẻ trong nước đang tỏ ra yếu thế, trong khi các DN có yếu tố nước ngoài đang vượt trội về nhiều mặt. Về lâu dài, nếu các DN mãi bước vào “cuộc chiến” khuyến mãi sẽ bào mòn khả năng tích lũy, tái đầu tư của các DN. Thực trạng này rất đáng lo ngại!

Thúy Hải 

Tin cùng chuyên mục