Kích cầu mạnh cho du lịch nội địa

Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, tổng doanh thu du lịch 4 tháng chỉ đạt khoảng 143.000 tỷ đồng, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước, riêng doanh thu của du lịch lữ hành giảm hơn 45%. Tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến ngành du lịch toàn cầu, trong đó có Việt Nam. 

Bắt đầu từ giữa tháng 5, các chuỗi kích cầu du lịch quốc gia liên tục được kích hoạt trên khắp mọi miền đất nước với các sản phẩm khuyến mãi đậm, ưu đãi dài ngày. Đây cũng là lúc các doanh nghiệp (DN) có nhiều thời gian hơn để chăm chút dòng khách nội địa vốn rất tiềm năng, nhưng suốt thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức. 

Theo các DN, thời điểm này, hoạt động du lịch đã nhộn nhịp hơn. Cụ thể, các nhà hàng, khách sạn tại TPHCM cũng như các địa phương khác trên cả nước có khách trở lại; người dân tìm đến các khu du lịch, vui chơi giải trí tấp nập. Thông tin từ lãnh đạo Khu du lịch Bình Quới 1, cách nay vài ngày, nơi đây đã đón cùng lúc 2 đoàn hơn 200 khách du lịch nội địa đến vui chơi, ăn uống. Khu du lịch Văn Thánh cũng đón khách tập trung đông vào cuối tuần. Xa hơn, tại các địa phương tập trung bãi tắm đẹp như Bà Rịa - Vũng Tàu, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)…, dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua cũng nhộn nhịp đón khách đến.

Để khuyến khích khách chi tiêu nhiều hơn, mới đây Vietnam Airlines phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các hãng lữ hành (Saigontourist, Vietrans Tour…) xây dựng sản phẩm tour ưu đãi giảm khoảng 40% giá vé cho khách khi đi theo nhóm tối thiểu 6 người. Chương trình áp dụng trên toàn bộ hành trình nội địa do Vietnam Airlines khai thác, ngày khởi hành từ 15-5 đến 31-12. Tương tự, các hãng hàng không Vietjet, Jetstar Pacific, Bamboo Airways cũng liên tục tung sản phẩm vé giá rẻ đến khách hàng. 

Việc mở cửa ngành du lịch đầu tiên với thị trường nội địa là hợp lý, trong bối cảnh nước ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng tình hình thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Bởi lúc này thị trường du lịch nội địa là con đường duy nhất, khi mà khách quốc tế chưa đến Việt Nam ngay, còn người Việt chưa thể đi du lịch nước ngoài. Muốn tồn tại, ngành du lịch phải kích cầu nội địa, mời gọi người dân đi du lịch trong nước với chính sách giá tốt, giảm giá nhưng không giảm chất lượng dịch vụ. “Quy luật sau thời gian giãn cách xã hội là cơ hội phục hồi của ngành du lịch, giống như lò xo bị nén và sẽ bung mạnh trở lại. Khi Việt Nam chống dịch hiệu quả, người dân sẽ tin tưởng và yên tâm để đi chơi an toàn”, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận định.

Tin cùng chuyên mục