Có một nguồn tiềm năng khổng lồ đang "ngủ im" trong các doanh nghiệp và tổ chức: rất nhiều nhân viên có tài năng nhưng không được “đánh thức”, không được trao cơ hội hoặc không được tạo động lực để phát huy. Đây là một sự lãng phí hết sức đáng tiếc đối với các lãnh đạo, vì họ đang bỏ qua một đội ngũ vốn có thể làm việc tận tâm tận lực, sáng tạo và đạt hiệu quả cao.
Theo các tác giả của Kích hoạt tiềm năng, điều đầu tiên và quan trọng nhất để một nhà lãnh đạo có thể khai phóng thành công tiềm năng, là một thái độ tôn trọng, tin tưởng và mối quan tâm chân thành dành cho cấp dưới.
Làm sao để “đánh thức” và khai thác tối đa những nguồn lực ẩn dật đó? Trong Kích hoạt tiềm năng, các chuyên gia tư vấn lãnh đạo từ FranklinCovey đem đến một cẩm nang toàn diện và chi tiết, đồng thời cũng hết sức đơn giản về khai phóng tiềm năng con người.
Qua từng chương sách, các tác giả chỉ dẫn chi tiết cách áp dụng xoay quanh ba “cuộc trò chuyện”, thuộc ba khía cạnh: Tiếng nói, Tính hiệu quả và Sự khai thông.
Với cuộc trò chuyện về Tiếng nói, các tác giả cho rằng đây là cơ hội để nhân viên mở lòng về đam mê, hoài bão, điều họ khát khao nhất, cũng như điều thật sự quan trọng với họ. Thông qua đó, lãnh đạo giúp nhân viên khám phá được ý nghĩa to lớn trong công việc lẫn sự đóng góp độc đáo của họ đối với tổ chức.
Theo các tác giả, cuộc trò chuyện về tiếng nói là cực kỳ quan trọng, đóng vai trò như “chiếc la bàn” định hướng cho quá trình trưởng thành, phát triển của mỗi cá nhân.
Sau khi xác định những đóng góp độc đáo có thể có của cấp dưới, những cuộc đối thoại về tính hiệu quả giúp hiện thực hóa điều đó trong thực tế công việc.
Trong cuộc trò chuyện này, lãnh đạo và nhân viên “nói về hiệu quả công việc một cách trung thực, rõ ràng và tích cực”, đi đến thỏa thuận về: Mục tiêu, quy trình, khả năng hoàn thành trách nhiệm, phần thưởng và sự công nhận…
Cuộc trò chuyện thứ ba mà các tác giả đề cập đến là về sự khai thông. “Khai thông” nghĩa là gì? Các tác giả nêu rõ: Nhà lãnh đạo khai thông sẽ không làm giùm, không quản lý vi mô, nhưng cũng không bỏ mặc nhân viên của mình với những áp lực quá sức chịu đựng.
Thay vào đó, họ đóng vai trò như cố vấn hoặc nhà đào tạo, tin tưởng và trao trách nhiệm cho nhân viên, đồng thời giang tay “giải quyết những lo ngại của họ và giúp tháo gỡ chướng ngại để họ có thể thành công”.
Những “cuộc trò chuyện” nói trên không chỉ là những cuộc họp hay buổi thảo luận chính thức, định kỳ và nghiêm túc, mà còn bao gồm những trao đổi không chính thức, có thể diễn ra thường xuyên mỗi ngày. Chẳng hạn, chỉ 15 phút gặp riêng cấp dưới để hỏi về những khó khăn họ đang gặp phải, cũng đã có tác động “khai phóng” đáng kể.
Bốn tác giả của cuốn sách: Shawn Moon, Todd Davis, Michael Simpson và Roger Merrill đều là chuyên gia cấp cao về cố vấn lãnh đạo và phát triển tài năng, từng chứng kiến cách những lãnh đạo tại hàng chục quốc gia khai phóng năng lực của các cá nhân xung quanh họ.
Phần lớn nội dung Kích hoạt tiềm năng được viết dựa trên kết quả của quá trình làm việc giữa 4 tác giả với hàng ngàn lãnh đạo trong 30 năm qua.
Bên cạnh nội dung hiện đại và hữu ích, Kích hoạt tiềm năng còn thu hút nhờ vào văn phong đơn giản, mạch lạc và những câu chuyện thực tế thú vị xen kẽ. Cuốn sách lọt vào danh sách những ấn phẩm có sức ảnh hưởng nhất trong năm do tạp chí Inc bình chọn.
Kích hoạt tiềm năng chính là người bạn đồng hành quan trọng giúp nhà lãnh đạo ở mọi cấp độ khơi dậy niềm đam mê, nguồn năng lượng và sự tận tụy của đội ngũ, từ đó chinh phục những mục tiêu vượt ngoài mong đợi.
FranklinCovey là tổ chức toàn cầu, chuyên về đào tạo và phát triển lãnh đạo, kiến tạo văn hóa, triển khai chiến lược và thúc đẩy bán hàng cho các doanh nghiệp. Tính tới nay, FranklinCovey hoạt động tại hơn 160 quốc gia và tham gia kiến tạo đội ngũ lãnh đạo của gần 90% tập đoàn lớn nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Fortune.
Những cuốn sách khác từ FranklinCovey nhận được nhiều phản hồi tích cực gồm: 7 Thói quen của bạn trẻ thành đạt, Tư duy tối ưu, Lựa chọn tối ưu thứ 3, Thói quen thứ 8, Niềm tin thông minh…