Về khung pháp lý, nước ta hiện nay vẫn chưa có văn bản pháp luật đặc thù, chuyên biệt về quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.
Điển hình, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đề cập rất ít đến kiểm soát ô nhiễm không khí và chưa xây dựng được các tiêu chí đánh giá, thực hiện, kiểm soát. Mặt khác, vẫn còn tồn tại hiện tượng chồng chéo về chức năng nhiệm vụ giữa các bộ, ngành trong quản lý. Còn về hoạt động quan trắc môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng hiện cũng đã, đang tiếp tục duy trì.
Tuy nhiên, các chương trình quan trắc mới chỉ tập trung tại các khu vực đô thị, các khu vực gần khu công nghiệp… thiếu các chương trình quan trắc tổng thể và định kỳ cho các khu vực nông thôn và làng nghề. Hoạt động kiểm kê và kiểm soát nguồn khí thải cũng chưa thực sự hiệu quả. Hiện tại Việt Nam mới chỉ có 21 trạm quan trắc không khí, nhưng việc kiểm kê nguồn phát thải còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc kiểm soát ô nhiễm bụi gặp nhiều khó khăn.
Riêng đối với vấn đề ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải, từ năm 2005, Việt Nam đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 2 đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Nhiều hoạt động nhằm kiểm soát ô nhiễm từ các phương tiện giao thông cũng đã được triển khai như thắt chặt mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu đã qua sử dụng và xe cơ giới đang lưu hành trên cả nước; tăng cường kiểm soát khí thải lưu động trên đường; xây dựng 105 trạm đăng kiểm định xe ô tô trên cả nước; xây dựng Trung tâm thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (NETC); mở rộng mạng lưới cơ sở kiểm định để thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải 60% số lượng ô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh thành phố loại 1 và loại 2...
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt cho ngành giao thông vận tải đề án về kiểm soát khí thải ô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố lớn. Theo đó, đề án đã đặt ra mục tiêu cho giai đoạn 2013 - 2015 phải thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải từ 80% - 90% số lượng ô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại Hà Nội và TPHCM; chú trọng việc quy hoạch đô thị tổng thể phải kết hợp với giao thông, các khu dân cư, công viên cây xanh; phải tăng cường phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, xe điện trên không, xe điện ngầm...) và các hình thức giao thông không gây ô nhiễm…
Điều đáng lo ngại là nếu tình trạng ô nhiễm không khí vẫn không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng đáng kể đến môi trường sống của người dân. Trong đó, không ngoại trừ số người mắc các bệnh liên quan do tiếp xúc phải không khí ô nhiễm sẽ tăng nhanh trong những năm tới.
TRÀ MY
Nhiều hoạt động xanh giúp cải thiện chất lượng môi trường
Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa kết hợp với Công ty Suntory PepsiCo Việt Nam (SPVB) tổ chức các hoạt động hướng tới việc bảo vệ môi trường tại huyện Cần Giờ.
Theo đó, chương trình đã thu hút hơn 400 học sinh tiểu học tại huyện Cần Giờ tham gia trồng 300 cây đước. Đồng thời, ban tổ chức còn tổ chức cuộc thi vẽ tranh để giúp các em học sinh nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
Cùng trong chuỗi hoạt động này, tại Đà Nẵng, Hà Nội, Bắc Ninh và Cần Thơ, gần 1.000 thanh niên, đoàn viên các tỉnh thành và cán bộ nhân viên công ty này đã cùng chính quyền địa phương tham gia dọn dẹp và vệ sinh các bãi biển và đường phố; tổ chức diễu hành và phát quang, khai thông hệ thống kênh rạch... Ông Katsuyasu Kato, Chủ tịch công ty cho biết, những hoạt động đồng hành cùng chính quyền địa phương các tỉnh thành trên nằm trong chuỗi hoạt động nhằm cam kết sản xuất xanh, có trách nhiệm với cộng đồng của công ty.
Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, công ty cũng tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chí bảo vệ môi trường; cam kết cùng bảo vệ nguồn tài nguyên của Trái đất thông qua các chương trình sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên điện, nước và nguyên liệu sử dụng trong đóng gói sản xuất.
MINH XUÂN