(SGGP). – Trong phiên họp sáng 31-10, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã trình bày tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012. Theo đó, đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm. Hội đồng Dân tộc giám sát từ 2 đến 3 chuyên đề; các ủy ban mỗi ủy ban giám sát từ 1 đến 2 chuyên đề; báo cáo kết quả với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất 3 chuyên đề để Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề giám sát. Đó là “việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; “việc thực hiện chính sách, pháp luật để giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai trong lĩnh vực hành chính” và “việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội”.
Thảo luận tại hội trường về vấn đề này, nhiều đại biểu tán thành Quốc hội giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị chuyên đề thứ hai là về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giao thông nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông. Một số đại biểu đề nghị các vấn đề khác như về hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; giao thông thủy nội địa… Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này dự kiến sẽ được thông qua tại phiên họp ngày 11-11 tới.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã trình bày báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 1998 – 2010. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường thống nhất với nhận định của Chính phủ cho rằng, dự án đã tạo sự chuyển biến lớn trong nhận thức về hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, dự án cũng còn nhiều hạn chế. Việc tổ chức thực hiện dự án trong giai đoạn 1998 – 2005 còn nhiều lúng túng. Công tác lập quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch đất lâm nghiệp và quy hoạch 3 loại rừng còn chậm, bộc lộ nhiều hạn chế. Việc cho thuê đất lâm nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài còn có nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Phần lớn diện tích rừng tự nhiên là rừng nghèo, rừng phục hồi, rừng hỗn giao (chiếm tới 75%), rừng giàu và trung bình chỉ đạt 25%. Tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép, cháy rừng, xâm lấn rừng, chống người thi hành công vụ vẫn xảy ra nghiêm trọng tại một số địa phương…
Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường kiến nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, điều hành, có giải pháp hợp lý đối với phần diện tích đã cho nhà đầu tư nước ngoài thuê trồng rừng. Đặc biệt, Chính phủ cần có giải pháp tổng thể để giải quyết tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật, ban hành cơ chế bảo hiểm hoặc quỹ dự phòng rủi ro đối với rừng sản xuất…
Trong phiên thảo luận chiều 31-10 tại tổ về chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015 và chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều ĐBQH rất băn khoăn về tính hiệu quả của cả hai chương trình này.
| |
NHÓM PV