(SGGPO).- Chiều 22-6, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa gửi văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và UBND TPHCM về việc thực hiện quy định bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Luật Kinh doanh Bất động sản (BĐS) 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2015).
Theo HoREA, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và để hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy định này nhằm đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tế tình hình hoạt động của các chủ đầu tư dự án phát triển BĐS, HoREA kiến nghị NHNN công bố danh sách các NHTM có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai; đồng thời cho phép các NHTM này được thực hiện bảo lãnh cho các chủ đầu tư dự án BĐS có uy tín, có năng lực, đang triển khai thực hiện dự án đúng kế hoạch tiến độ (tại thời điểm đề nghị cấp bảo lãnh), không vi phạm trong quan hệ cấp tín dụng, thanh toán tại tổ chức tín dụng và các chủ đầu tư này chỉ phải trả phí bảo lãnh mà không phải thực hiện ký quỹ, không cần phải có tài sản bảo đảm. HoREA cho biết, thực tế hiện nay, nhiều dự án BĐS trên địa bàn TP được các ngân hàng bảo lãnh mà không yêu cầu CĐT phải thực hiện ký quỷ, thế chấp tài sản mà chỉ thu phí bảo lãnh.
Trao đổi với SGGP về việc này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, việc quy định ngân hàng bảo lãnh BĐS hình thành trong tương lai nhằm bảo vệ và tránh rủi ro của người tiêu dùng khi mua, thuê mua BĐS hình thành trong tương lai, nhưng Luật kinh doanh BĐS lại quy định áp dụng cho tất cả chủ đầu tư mà không phân biệt số đông chủ đầu tư có uy tín thương hiệu, có trách nhiệm, có năng lực thật sự, với một số ít chủ đầu tư kém năng lực, không có uy tín, hoặc thậm chí lừa đảo và bắt buộc ký quỹ (100% giá trị bảo lãnh), phải có tài sản thế chấp… sẽ làm phát sinh một chi phí mới trong cơ cấu giá thành BĐS mà người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua, thuê mua BĐS hình thành trong tương lai.
Ông Châu nêu dẫn chứng: dự án chung cư có 100 căn hộ, mỗi căn hộ có giá 1 tỷ đồng, tổng giá trị chung cư là 100 tỷ đồng, dự kiến bàn giao căn hộ cho khách hàng sau 2 năm. Theo quy định về bảo lãnh ngân hàng hiện nay, muốn được ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh có giá trị 100 tỷ đồng thì chủ đầu tư phải có 100 tỷ đồng đặt vào ngân hàng để được ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh (nếu không có 100 tỷ đồng tiền mặt thì chủ đầu tư phải có tài sản có giá trị gấp khoảng 1,3 lần để làm tài sản bảo đảm thay thế); Chủ đầu tư phải trả phí bảo lãnh khoảng 2%/năm, tương đương với khoảng 2 tỷ đồng/năm. Tất cả những chi phí này, chủ đầu tư sẽ tính vào giá bán, giá thuê mua nhà mà người tiêu dùng phải trả.
Để giảm gánh nặng về chi phí nêu trên, trong văn bản, HoREA kiến nghị Chính phủ, NHNN, Bộ Tài chính thực hiện thí điểm cho phép các công ty bảo hiểm có uy tín thương hiệu, có năng lực (danh sách do cơ quan có thẩm quyền công bố) thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai cùng với các NHTM. Theo HoREA, trên thị trường hiện nay đang có những DN hoạt động bảo hiểm có uy tín thương hiệu, có đủ năng lực, điều kiện, và trên thực tế trong hoạt động bảo lãnh dự thầu đã có DN bảo hiểm cấp chứng thư bảo lãnh dự thầu và đã được bên mời thầu chấp thuận. Do vậy, có thể bổ sung thêm DN bảo hiểm tham gia thực hiện hoạt động bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, mà chủ đầu tư dự án chỉ phải trả phí bảo hiểm, không phải ký quỹ, hoặc không cần phải có tài sản bảo đảm. Và việc này sẽ làm giảm nhẹ gánh nặng cho chủ đầu tư dự án và người tiêu dùng khi mua, thuê mua BĐS hình thành trong tương lai.
Hạnh Nhung