Chiều 16-9, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã báo cáo với UBTVQH kết quả kiểm toán việc quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2011-2017 tại Bộ Tài chính, 24 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và một số địa phương.
Theo đó, công tác quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp cơ bản được các đơn vị thực hiện theo quy định. Số dư Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước và Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các công ty mẹ của tập đoàn, tổng công ty nhà nước đến 31-12-2017 là 112.513 tỷ đồng.
Những tồn tại, thiếu sót trong lĩnh vực này cũng đã được ông Hồ Đức Phớc chỉ rõ, đó là một số địa phương chưa nộp số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của các Tổng công ty trực thuộc UBND tỉnh, thành phố đến 31-12-2017 số tiền 1.544 tỷ đồng. Một số tập đoàn, tổng công ty chưa xác định đầy đủ các khoản phải nộp về Quỹ; sử dụng Quỹ không đúng quy định; chậm bàn giao, thu nộp về Quỹ khi chuyển sang công ty cổ phần.
Trên cơ sở kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Bộ Tài chính thu hồi về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp 3.536 tỷ đồng, thu hồi các khoản nợ tồn đọng 1.218 tỷ đồng; đề nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về quản lý, sử dụng tiền thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đảm bảo thu đầy đủ, kịp thời và sử dụng hiệu quả Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp.
Cũng liên quan đến công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2017 tại 63 tỉnh, thành phố, Tổng Kiểm toán nêu một số tồn tại: “Trước khi cổ phần hóa còn nhiều trường hợp không xây dựng phương án sử dụng đất; xây dựng, phê duyệt phương án không phù hợp với phương án sắp xếp xử lý nhà đất và quy hoạch sử dụng đất; chưa công khai minh bạch thông tin liên quan đến đất đai. Sau cổ phần hóa còn sử dụng đất không đúng mục đích; để hoang hóa, bị tranh chấp, lấn chiếm; chậm hoàn thiện thủ tục pháp lý; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không qua đấu giá; chuyển đổi mục đích không phù hợp quy hoạch”.
Đáng lưu ý, một số trường hợp xác định giá trị quyền sử dụng đất sai quy định; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai còn nhiều tồn tại. Pháp luật đất đai còn bất cập về chính sách giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; phương pháp xác định giá đất; mua, bán tài sản gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; chính sách tiền thuê đất và chưa có quy định pháp lý đối với một số sản phẩm bất động sản.
Trên cơ sở kết quả kiểm toán, Kiểm toán đã kiến nghị tăng thu 577 tỷ đồng và xử lý tài chính khác 791 tỷ đồng; xử lý, xem xét thu hồi nếu đủ điều kiện theo quy định đối với 03 thửa đất và 7.591.427 m² đất. Bên cạnh đó, kiến nghị các đơn vị có liên quan khắc phục, kiểm điểm, chấn chỉnh rút kinh nghiệm đối với các hạn chế, tồn tại đã được chỉ rõ trong các Báo cáo kiểm toán.
Về khung khổ pháp lý chung, một số văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 102/2014/NĐ-CP; số 46/2014/NĐ-CP của Chính phủ) được kiến nghị sửa đổi. “Đề nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về việc chuyển mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp đang sử dụng sang mục đích khác phải thông qua đấu giá nhằm ngăn chặn thất thoát tài sản nhà nước và ngân sách Nhà nước”, ông Hồ Đức Phớc “gút” lại.