Chiều 10-5, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cho biết, Viện Nghiên cứu phát triển TP kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương cho Viện và Trung tâm Nghiên cứu vùng và đô thị cùng với các sở ngành, địa phương, doanh nghiệp và các đối tác liên quan trong và ngoài nước thực hiện các đề tài, đề án, dự án thí điểm và các hoạt động khoa học khác nhằm hỗ trợ việc phát triển hệ thống xe đạp công cộng tại TP.
Trước mắt, trong giai đoạn 2019-2020, Thành phố giao Viện Nghiên cứu phát triển chủ trì thực hiện nhiệm vụ đề xuất giải pháp và xây dựng lộ trình thí điểm hệ thống xe đạp công cộng tại một số khu vực đô thị đặc thù của TPHCM.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP, TPHCM đang đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của người dân. Vì vậy, hệ thống xe đạp công cộng được xem là một giải pháp góp phần giải quyết hai vấn đề này.
Để phát triển hệ thống xe đạp công cộng tại TP, cần bổ sung các nội dung về phát triển hệ thống xe đạp công cộng (xe, trạm, làn/tuyến đường dành cho xe đạp, ...) vào quy hoạch chung TPHCM cũng như quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư. Khắc phục nhược điểm của điều kiện khí hậu như tăng cường cây xanh che nắng, các điểm trú mưa... Cải thiện điều kiện hạ tầng giao thông dành cho xe đạp.
Trước mắt, có thể áp dụng thí điểm hệ thống xe đạp công cộng tại một số khu vực phù hợp (có tính “biệt lập” nhất định, có số dân tương đối lớn và thành phần dân cư phù hợp, có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ và có khả năng gắn kết với tuyến MRT, LRT hoặc BRT).
Mô hình vận hành nên theo hướng hợp tác công - tư (Nhà nước đóng vai trò thúc đẩy trong giai đoạn đầu và kiểm soát trong các giai đoạn tiếp theo).
Về quy hoạch hạ tầng cho xe đạp kết nối hệ thống xe đạp công cộng cần kết nối rộng khắp đến tất cả các nơi trên phạm vi đô thị; hoạt động đạp xe cần được đảm bảo an toàn, tránh những xung đột với phương tiện giao thông cơ giới trên đường, tại các nút giao thông; các tiện ích liên quan đến việc lấy xe, thanh toán, trả xe,... cần được thiết kế sao cho thuận tiện cho người sử dụng; thiết kế đơn giản, dễ nhận biết.