Kiên quyết không để lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng

Chiều 10-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 báo cáo tình hình, đưa ra các quyết sách, xử lý các vấn đề phát sinh.

Tổ chức các chuyến bay cứu hộ lao động Việt Nam 

Tại cuộc họp, đại diện TPHCM cho biết, TP còn 550 người đang cách ly tập trung; đến nay hơn 3 tháng TPHCM không phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng, hơn 2 tháng trở lại cuộc sống mới. Vấn đề ưu tiên hiện nay của TPHCM là nhanh chóng phục hồi kinh tế với tinh thần quyết liệt, thần tốc. Thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, từ ngày 25-6 đến nay, TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, như kiểm soát chặt chẽ làn sóng lây nhiễm thứ 2, không chủ quan, không buông lỏng, lơ là. Tiếp tục các chuyến bay quốc tế chở công dân Việt Nam từ vùng dịch trở về, tất cả đều được cách ly sau khi nhập cảnh. Tập trung hỗ trợ các đối tượng khó khăn, đã giải quyết cho 510.000 đối tượng, đạt hơn 94% kế hoạch với tổng kinh phí hơn 560 tỷ đồng. Tập trung phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới, thi đua phát triển kinh kế, tổ chức các hội nghị kích cầu và liên kết phát triển du lịch, quyết tâm đưa ngành du lịch phục hồi nhanh nhất. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp
TPHCM cũng định kỳ họp 2 lần/tuần để tháo gỡ khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Đến nay đã giải ngân trên 18.000 tỷ đồng, đạt hơn 43% kế hoạch, gấp 4 lần về giá trị tuyệt đối và gấp 3 lần về tỷ lệ so với cùng kỳ. Cùng với đó, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã thực hiện giảm lãi, cơ cấu lại nợ, cho vay lãi suất thấp cho doanh nghiệp, cá nhân với hơn 384.000 tỷ đồng. Với nỗ lực của TPHCM, tình hình kinh tế quý 2 chuyển biến tốt hơn quý 1. Tổng cục Thống kê công bố tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP tăng 1,02% trong 6 tháng đầu năm, nhưng căn cứ vào tình hình thực tế, TP tính toán tăng khoảng 2%, TP vẫn đóng góp cho cả nước trên 25% GDP, 27% tổng thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm. Với vai trò đầu tàu, TPHCM nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm nhiều hơn để tăng trưởng đạt mức cao nhất, đóng góp vào sự tăng trưởng chung cả nước. Cả hệ thống chính trị của TPHCM sẽ vào cuộc khẩn trương, phấn đấu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ kép. TPHCM sẽ cố gắng thay đổi tư duy để làm tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới.


TPHCM đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trong đó kiên trì thực hiện nhiệm vụ kép trong điều kiện dịch Covid-19 dự báo vẫn phức tạp trên toàn thế giới. TP không chỉ đẩy lùi dịch bệnh mà mục tiêu quan trọng là giữ vững kinh tế, hạn chế thấp nhất mức tác động của dịch bệnh đến các hoạt động xã hội. Tập trung tổ chức thành công đại hội đảng các cấp; phát động các phong trào thi đua; triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhằm khắc phục tác động của Covid-19, phục hồi phát triển kinh tế. Hàng tuần, TP họp tổ công tác đầu tư để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; chuẩn bị đón làn sóng đầu tư từ nước ngoài dịch chuyển về Việt Nam. Tập trung chuẩn bị cho việc mở lại đường bay quốc tế. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Phấn đấu đến tháng 10, tỷ lệ giải ngân năm đạt trên 80% kế hoạch. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận TPHCM đã giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn, mong TP quyết liệt hơn nữa để cùng đóng góp vào kết quả chung của cả nước. Song song đó làm tốt công tác tiếp đón cách ly đối với đồng bào trở về từ vùng dịch.

Đưa gần 14.000 công dân về nước

Tại cuộc họp, Thủ tướng khẳng định tinh thần cương quyết không để lây nhiễm trong cộng đồng. Vấn đề quản lý biên giới, thực hiện công tác cách ly không được chủ quan; biên giới phải được kiểm soát tốt, chặt chẽ. Nếu sơ suất một trường hợp có thể gây hậu quả nghiêm trọng. 

Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ GTVT thực hiện 55 chuyến bay đưa gần 14.000 người Việt Nam về nước an toàn. Bộ Ngoại giao, các đại sứ, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục thực hiện các kết luận của Thủ tướng như tháo gỡ đường bay với Trung Quốc, mở chuyến bay trung chuyển ở Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... Đồng thời, tăng chuyến bay cứu hộ, mở các chuyến bay thương mại nhằm đón công dân Việt Nam, nhà đầu tư, chuyên gia về Việt Nam; đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; có chuyến bay cứu hộ công dân ở Guinea Xích Đạo ngay tức thời trên tinh thần làm hết sức mình để bảo hộ công dân. Thủ tướng cũng chỉ đạo lên phương án mở rộng cách ly tập trung, cách ly linh hoạt tại khách sạn của các địa điểm thuận lợi, các nhà khách của công an, quân đội, khách sạn quân sự lên quy mô ít nhất 10.000 người. Bên cạnh địa điểm cách ly quân đội, Thủ tướng yêu cầu Bộ VH-TT-DL, Hà Nội, TPHCM sẵn sàng cung cấp cho ngành y tế, ngành hàng không những địa điểm cách ly dân sự. 

Bên cạnh việc chuẩn hóa quy trình, thủ tục mời, đón khách đến Việt Nam, Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục phối hợp Bộ Y tế, Bộ VH-TT-DL tiếp nhận, theo dõi, quản lý chặt chẽ người Việt Nam cách ly tập trung tại khách sạn, tránh lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Các địa phương lớn như Hà Nội, TPHCM sẵn sàng tiếp nhận cách ly, hỗ trợ lực lượng quân đội, ngành du lịch để tạo điều kiện thuận lợi cách ly. Thủ tướng đồng ý việc lập khu vực an toàn tại một số cửa khẩu để người nước ngoài đến Việt Nam đàm phán, ký kết hợp tác hợp đồng liên quan; thời điểm xét nghiệm nhanh; đảm bảo tiêu chuẩn.

Tin cùng chuyên mục