
Chiều 5-6, tại buổi họp chuyên đề về tái cơ cấu, cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các giải pháp đẩy mạnh tiến độ tái cơ cấu DNNN năm 2015, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết, 5 tháng đầu năm mới CPH được 43 DN và từ nay đến cuối năm sẽ phải CPH 246 DN. Đây là một thách thức cho việc hoàn thành kế hoạch đề ra. Ông Đặng Quyết Tiến nói:
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã nhấn mạnh mục tiêu CPH là đổi mới, nâng cao chất lượng quản trị DN, không chạy theo số lượng. Tất nhiên kế hoạch đưa ra phải thực hiện (giai đoạn 2014 - 2015 là 432 DN). Các giải pháp được đưa ra là nâng cao giá trị hàng hóa bán ra thị trường. Định hướng cho việc CPH DNNN thời gian tới là các doanh nghiệp đủ điều kiện tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thì sẽ làm ngay. DN không có khả năng thực hiện và khả năng thực hiện IPO không thành công sẽ chuyển sang công ty cổ phần với sự tham gia của một số thành phần khác như người lao động, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Sau đó, sẽ tiếp tục củng cố DN tốt lên để IPO (dự kiến là 12 tháng). Điều này sẽ giúp có thêm các chủ thể tham gia, giám sát DN, để DN hoạt động tốt hơn từ đó tiến hành IPO. Với các giải pháp như vậy, từ nay đến cuối năm, việc CPH DNNN sẽ được tiến hành nhanh hơn và giải quyết được những khó khăn của tiến trình CPH hiện nay là thị trường chứng khoán đang khó khăn, kinh tế mới trong giai đoạn phục hồi. Những dự kiến này đã được chúng tôi đưa ra trong dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hiện đang lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi trình.

Thị trường chứng khoán vẫn còn khó khăn là một trong những nguyên nhân làm chậm CPH DNNN. Ảnh: Cao Thăng
Phóng viên: Theo ông, đâu là nguyên nhân của việc chậm CPH DNNN thời gian qua?
Ông ĐẶNG QUYẾT TIẾN: Đó là do thị trường chứng khoán vẫn còn khó khăn; sự thiếu quyết liệt của một số bộ, ngành; DN chưa nhận thức rõ về sự cần thiết quan trọng của việc CPH, thay đổi quản trị DN. Đặc biệt là năm 2016, Việt Nam sẽ tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương... Nếu DN không nhận thức được việc hội nhập, cạnh tranh, minh bạch cao hơn thì khó phát triển được.
Để đẩy nhanh việc CPH, theo tôi, các giải pháp quan trọng khác là tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, gắn trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước trong đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho DN... Nếu những giải pháp đó đưa ra mà DN không thực hiện thì cần kiên quyết thay thế lãnh đạo DN không quyết tâm, chần chừ.
Thưa ông, việc chuyển DN sang công ty cổ phần với sự nắm giữ của người lao động hay SCIC mà không có IPO, sự tham gia sâu rộng của các nhà đầu tư bên ngoài sẽ khiến cho tiến trình CPH có thể hoàn thành nhưng bản chất chỉ là hình thức?
Khi họp Chính phủ, các thành viên Chính phủ cũng có hỏi như vậy. Thế nhưng, nếu không làm như vậy thì chúng ta vẫn giữ những DN không IPO được lại làm gì? Chủ sở hữu nhà nước vẫn là một thì DN cũng hoạt động không hiệu quả do bộ máy vẫn như vậy. Còn nếu chuyển sang công ty cổ phần mà có sự tham gia của người lao động, SCIC và sau đó 12 tháng DN sẽ phải tiến hành IPO thì sẽ góp phần thay đổi hoạt động DN. Còn nếu sau 12 tháng không IPO được thì sẽ bán toàn bộ DN, hoặc cho phá sản. Tôi cho rằng, đó là giải pháp mang tính triệt để. Đó cũng không phải là biện pháp chữa cháy khi mà điều kiện thị trường hiện nay không cho phép, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài còn đang chờ đợi, đắn đo.
|
Trong đề xuất của Bộ Tài chính có nêu là DN chưa có điều kiện IPO ngay thì bán cổ phần cho người lao động và tổ chức công đoàn với giá bằng 60% giá khởi điểm. Như vậy liệu có xảy ra thất thoát, bởi lẽ nhiều DN có giá đấu giá thường cao hơn nhiều giá khởi điểm?
Giá bán 60% đã được quy định tại Nghị định 59 của Chính phủ về cổ phần hóa DNNN, còn việc ưu đãi cho người lao động so với giá khởi điểm cũng không nên so kè quá vì họ đang là người lao động trong công ty.
CPH chỉ là một trong những phương án của việc sắp xếp DN bên cạnh việc giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê DNNN. Vậy tại sao các biện pháp này không được đẩy mạnh thực hiện, thưa ông?
DN đã không CPH được, nghĩa là hoạt động không tốt, vậy khi giao cho người khác thì liệu có tốt hơn không? Khoán cũng vậy và chỉ thực hiện được khi DN có lợi nhuận thì họ mới nhận. Đó là lý do giải pháp CPH để đổi mới DN đóng vai trò quan trọng.
Một trong những lý do khiến nhà đầu tư không mặn mà tham gia là nhiều DN CPH nhưng không chịu lên niêm yết. Vậy có giải pháp nào, thưa ông?
Trước kia, chúng ta chỉ khuyến khích DN lên niêm yết mà không có chế tài. Nhưng khi Quyết định 51 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành (về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN ban hành tháng 9-2014), các DN có 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành công ty cổ phần phải đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký cổ phiếu và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM (dành cho những công ty chưa đủ điều kiện niêm yết). Trong tháng 6 này, chúng tôi sẽ rà soát những DN nào chưa thực hiện, yêu cầu giải trình. Đầu quý 3 chúng tôi sẽ công bố DN không thực hiện và gửi các bộ, ngành và các cơ quan này có trách nhiệm phải đôn đốc DN.
Cảm ơn ông!
NGỌC QUANG