
Chiều 4-1, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp với đại diện các sở, ban ngành của TP và hơn 40 doanh nghiệp trong Khu chế xuất Linh Trung 1 – nhằm tìm các biện pháp giải quyết cuộc đình công của hơn 30.000 lao động diễn ra từ ngày 28-12-2005 yêu cầu điều chỉnh mức lương tối thiểu trong các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM (HEPZA), từ 28-12-2005 đến ngày 4-1 đã có 11 cuộc đình công diễn ra tại các DN. Quy mô các cuộc đình công đã mở rộng ra Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp và một số DN tại tỉnh Bình Dương. Các cuộc đình công đã làm cho nhiều DN phải đóng cửa nhà máy, tạm ngưng hoạt động.

Cảnh công nhân đình công tại Công ty TNHH Freetrend
Theo ông So Lon Lin, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Qunt Major Việt Nam, phần lớn các kiến nghị của người lao động đã được nhiều DN đáp ứng, song một số phần tử quá khích vẫn không chịu và tiếp tục kích động nhiều người khác tham gia đình công.
Theo đại diện của các DN trong Khu chế xuất Linh Trung 1, phần lớn lao động là tốt, chí thú làm ăn và mong muốn gắn bó lâu dài với DN. Qua sự việc này khẳng định người lao động đã bị kích động, lôi kéo đình công. Sau khi được đại diện giới chủ DN và cán bộ công đoàn giải thích, đến nay tình hình có phần lắng dịu, nhiều nơi người lao động đã trở lại làm việc.
Phát biểu với đại diện các DN, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thiện Nhân cho rằng các cuộc đình công xảy ra vừa qua là đáng tiếc và không đáng có. Thay mặt lãnh đạo TP, ông cũng bày tỏ sự chia sẻ về những thiệt hại của các DN do cuộc đình công gây ra.
Lãnh đạo TP cam kết sẽ bằng mọi biện pháp ngăn chặn không cho bạo động và đình công tiếp tục xảy ra tại các DN. Để hỗ trợ các DN, trong những ngày qua LĐLĐ TP và HEPZA đã cử nhiều cán bộ xuống tham gia vận động, giải thích người lao động trở lại làm việc.
Về kiến nghị của người lao động yêu cầu điều chỉnh mức lương tối thiểu, trong khi chưa có quyết định chính thức của Thủ tướng Chính phủ, các DN không nên tự ý tăng lương – mà có chăng, nếu thấy phù hợp có thể giải quyết theo chính sách hỗ trợ lương để người lao động sớm ổn định cuộc sống, trở lại làm việc. Qua đây, các DN cũng cần rà soát lại các chính sách về bảo đảm quyền lợi cho người lao động, nếu thấy không còn phù hợp thì sửa đổi ngay.
Để ngăn chặn những hành động quá khích trong các phần tử xấu lợi dụng đình công để gây rối, lãnh đạo TP yêu cầu các DN cần phối hợp tốt hơn nữa với các cơ quan chức năng nhằm phát hiện và bằng mọi giá không để cho bạo động và đình công bất hợp pháp tiếp diễn.
TP sẽ thành lập 4 lực lượng ngăn chặn bạo động và đình công bao gồm: lãnh đạo và bộ máy của các DN, đại diện công đoàn các cấp, đại diện HEPZA và lực lượng công an, chính quyền địa phương tại chỗ. Đối với những đối tượng có hành vi sách động, lôi kéo đình công và có hành động làm thiệt hại đến tài sản của DN, lãnh đạo TP cam kết sẽ sớm điều tra, phát hiện và xử lý đến cùng.
Chính quyền TP kêu gọi tập thể người lao động tại các DN trong khu chế xuất hãy bình tĩnh và không nghe theo những phần tử xấu lôi kéo, xúi giục làm phương hại đến lợi ích của Nhà nước, của DN và của ngay chính bản thân mình.
Ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Tiền lương Bộ LĐTB-XH: Chính phủ sẽ quyết định mức tăng lương tối thiểu KH.B. - H.N. |
PHẠM HOÀI NAM
Tin, bài liên quan:
Đình công tại Công ty Freetrend
Công nhân Kollan đình công đòi tăng lương
Hơn 300 công nhân may Chi Lan đình công