Kiên quyết xử lý ô nhiễm tiếng ồn từ hát karaoke: Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Người dân TPHCM đang rất quan tâm đến tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ hát karaoke với nhiều chiều hướng, góc độ khác nhau và biện pháp xử lý. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng phải kiên quyết dẹp vấn nạn này. Trong đó cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị ở các địa phương, mọi nhà, mọi người chứ không chỉ làm theo phong trào rồi đâu lại vào đó. Dưới đây là một số ý kiến mà Báo SGGP ghi nhận.

* Bà TRẦN KIM TUYỀN, Phó Chủ tịch UBND phường Tam Bình, TP Thủ Đức: Trang bị các phương tiện, công cụ kiểm soát tiếng ồn

Thỉnh thoảng, phường nhận được phản ánh của người dân về tình trạng tiếng ồn do hát karaoke tự phát qua nhiều kênh như tổ dân phố, dân phản ánh qua app quản lý đô thị… và phường trực tiếp xuống tận nơi kiểm tra, nhắc nhở kịp thời. Vấn đề khó khăn là khi lực lượng chức năng xuống kiểm tra thì các trường hợp này đã vặn nhỏ âm thanh hoặc không hát nữa. Phải có máy đo tiếng ồn và phối hợp với Phòng TN-MT mới có cơ sở xử lý. Hiện chỉ mới dừng lại ở tuyên truyền vận động và cho làm bản cam kết, hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định. 


Đặc biệt, sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM đến nay, Đảng ủy và UBND phường tập trung chỉ đạo các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức hội nghị chuyên đề, tuyên truyền đến hội viên và qua đó, tuyên truyền đến người dân. Hiện nay, các quy định pháp luật xử phạt về tiếng ồn cơ bản đủ sức răn đe, vấn đề quan trọng là các bước quy trình thực hiện, thiết bị hỗ trợ, thiết bị kiểm soát tiếng ồn ở phường không có. Do đó, mong chính quyền TPHCM hỗ trợ địa phương các phương tiện, dụng cụ kiểm soát tiếng ồn để thực hiện nhiệm vụ tốt nhất.

* Luật sư DƯƠNG NGÔ HƯNG, Đoàn Luật sư TPHCM: Phải có “Nghị định 100” mạnh tay xử lý ô nhiễm tiếng ồn

Các cơ sở pháp lý về xử lý tiếng ồn đã khá rõ ràng. Điều 6, Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên háo tại khu dân cư, nơi công cộng, thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, với mức phạt tiền 100.000-300.000 đồng. Điều 17, Nghị định 155/2015 của Chính phủ đã quy định mức phạt dựa trên đo độ ồn, tùy độ ồn vượt mức cho phép mà có mức phạt từ 1 triệu đồng đến 160 triệu đồng. 


Tuy nhiên, tại Nghị định 155 quy định việc đo tiếng ồn phải được thực hiện bởi đơn vị có chức năng (được Bộ TN-MT cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường), nhưng không đề cập đến phương tiện đo đạc khác, đồng thời không giao chủ tịch UBND cấp xã, phường được xử phạt hành vi này. Trong khi, tiếng ồn do hát karaoke từ sinh hoạt của người dân phát sinh có thời điểm nhất định nên cơ quan chức năng khó khăn trong việc phối hợp kiểm tra, đo đạc, xác định vi phạm; người vi phạm cũng chủ động chấm dứt hành vi vi phạm khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra. Nghị định 167 quy định mức phạt tiền 100.000-300.000 đồng nên chưa đủ sức răn đe và chỉ giới hạn việc xử lý vi phạm trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, nếu vi phạm ngoài khung giờ thì không thể xử phạt. 

Do vậy, như Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Chính phủ cần phải có “Nghị định 100” xử phạt hát karaoke gây ô nhiễm tiếng ồn. Một khi có quy định cụ thể, không chỉ lực lượng thực thi công vụ mà người dân cùng tham gia phát hiện hành vi vi phạm. 

* Luật gia TRƯƠNG ĐÌNH, Hội Luật gia TPHCM: Đưa vào tiêu chí công nhận gia đình văn hóa, khu phố văn hóa

Tại khu phố tôi ở, ban đầu, nhiều gia đình khi hát karaoke còn có lời nói mong hàng xóm thông cảm vì gia đình có liên hoan, tiệc tùng nên mở nhạc cho vui. Nhưng sau đó, chẳng có sự kiện gì họ cũng hát ầm ĩ, mở nhạc quá to khiến chẳng ai nghỉ ngơi được, khổ nhất là người già và trẻ em. 


Để ngăn chặn tình trạng này, công tác tuyên truyền vận động đến mỗi hộ gia đình, mỗi người dân là quan trọng. Hàng năm, các hộ gia đình trong khu phố đều phải ký cam kết thực hiện đời sống văn hóa, trong đó có cam kết không làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư. Do vậy, các cơ quan chức năng cần đưa hành vi hát karaoke gây ồn ào vào tiêu chí đánh giá gia đình văn hóa, khu phố văn hóa; đưa tiêu chí này vào đánh giá, xếp loại thi đua của tổ dân phố, khu phố, cán bộ, lãnh đạo chính quyền cấp cơ sở. 

* Ông HOÀNG XUÂN SONG, Bí thư Chi bộ Khu phố 2, phường 15, quận Gò Vấp: Đảng viên cần nêu gương, tham gia giám sát 

Chúng tôi đã đưa việc chấn chỉnh tình trạng karaoke tự phát vào các buổi sinh hoạt chi bộ, quán triệt đến từng đảng viên. Trước hết đảng viên phải nêu gương, vận động gia đình, bà con, lối xóm không vi phạm hát karaoke gây ồn ào; cùng tham gia với chính quyền giám sát, phát hiện nơi nào có hát karaoke gây ồn cả đêm, ảnh hưởng đến an ninh trật tự chung thì khuyên nhủ hoặc báo cáo lực lượng chức năng đến xử lý theo quy định của pháp luật. 


Theo nhìn nhận của chúng tôi, lần này với quyết tâm của Chủ tịch UBND TPHCM, cùng với những quy định, công cụ pháp luật, hy vọng vấn nạn trên sẽ sớm được xử lý triệt để. Điều quan trọng là chúng ta có quyết tâm làm đến nơi đến chốn hay không mà thôi. 

* Ông TRẦN VIỆT TRUNG, cư dân phường An Phú, TP Thủ Đức: Cần có Nghị quyết để cả hệ thống chính trị vào cuộc

Để xử lý tình trạng ô nhiễm tiếng ồn do karaoke tự phát gây ra, TPHCM cần phải có biện pháp xử lý quyết liệt, phải ra Nghị quyết để huy động hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tổ chức tuyên truyền vận động để mọi nhà, mọi người cùng chung tay. Cùng với đó là ban hành các quy định xử phạt đủ sức răn đe, giao UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý. 


Mặt khác, các chi bộ khu phố, các đoàn thể địa phương, tổ dân phố cần vận động người dân cam kết không hát karaoke gây ồn ào, nếu vi phạm phải xử lý nghiêm. Còn nếu người dân ở các khu dân cư muốn hát karaoke phải tuân thủ quy định về thời gian, mức âm thanh phù hợp hoặc đến các cơ sở dịch vụ karaoke để hát.

* Ông NGUYỄN QUANG TRUNG, Tổ trưởng Tổ 41, Khu phố 6, P. Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức: Chờ văn bản hướng dẫn để có cơ sở xử lý

Thời gian  gần đây, trên địa bàn tổ 41 cũng như nhiều địa phương khác, một số gia đình, nhóm nhậu thường tổ chức hát karaoke gây ồn ào, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trong khu dân cư. Vì thế, chủ trương cấm hát karaoke gây ồn ào, đêm khuya của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong là hết sức cần thiết. Tổ dân phố, khu phố đã được cấp trên quán triệt cụ thể, nhưng để thực hiện chúng tôi còn phải chờ văn bản hướng dẫn. 

Để có biện pháp xử lý, chế tài, cán bộ cơ sở rất cần được hướng dẫn chi tiết: âm thanh lớn thế nào là vi phạm, hát đến mấy giờ, có được tổ chức hát ở phòng khách, ngoài sân… Cán bộ quản lý ở tổ, khu phố đã sẵn sàng thực hiện chủ trương ngăn chặn nạn hát karaoke gây ồn ào, để tái lập môi trường sống của người dân trong tổ dân phố được an lành hơn.

Tin cùng chuyên mục