Kiên trì xây dựng nền nếp văn hóa ở phố đi bộ

Từ khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, phố đi bộ Nguyễn Huệ đã trở thành điểm đến thư giãn và cũng là tụ điểm văn hóa của người dân TPHCM và du khách. Tuy nhiên, trong bước đầu hình thành nền nếp văn hóa ở phố đi bộ, vẫn còn nhiều việc cần chấn chỉnh, nhắc nhở, định hình.
Kiên trì xây dựng nền nếp văn hóa ở phố đi bộ

Từ khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, phố đi bộ Nguyễn Huệ đã trở thành điểm đến thư giãn và cũng là tụ điểm văn hóa của người dân TPHCM và du khách. Tuy nhiên, trong bước đầu hình thành nền nếp văn hóa ở phố đi bộ, vẫn còn nhiều việc cần chấn chỉnh, nhắc nhở, định hình.

Cần an toàn, văn minh hơn

Do chỉ có biển cảnh báo chạy xe chậm ở hai đầu đường ven phố đi bộ, nên nhiều người chạy xe không để ý đến đèn tín hiệu dừng lại nhường đường cho khách bộ hành băng qua đường. Nhiều khi có người đang băng qua đường lúc có đèn tín hiệu dừng xe, nhưng nhiều người chạy xe vẫn cứ chạy qua.

Chị Võ Thị Bích Huệ (ngụ tại quận Tân Phú) than phiền: “Thấy có bảng hướng dẫn bấm nút để đèn báo tín hiệu dừng xe, nhưng bấm rồi phải chờ mất gần vài phút, mà cũng không băng qua đường được vì xe cộ vẫn cứ băng ào ào, không dừng lại nhường đường cho người đi bộ. Nhiều người nước ngoài gặp tình cảnh này cứ đứng lắc đầu không dám băng qua đường, dù đã có đèn tín hiệu ưu tiên cho người đi bộ qua đường. Cũng nên có CSGT ở đây để phạt nghiêm những trường hợp vượt đèn đỏ trên phố đi bộ”.

Người bán hàng rong bỏ hàng trong thùng xốp nhỏ, rồi trà trộn vào phố đi bộ để bán.

Nay trên phố đi bộ đã thành sân chơi rất nhộn nhịp với đủ thể loại vui chơi vào mỗi tối, tạo không khí háo hứng cho người dân đến thư giãn. Tuy nhiên, cũng có số ý kiến góp ý nên khắc phục tình trạng bán hàng rong, xả rác làm mất mỹ quan.

Anh Nguyễn Văn Minh (ngụ tại quận 1) nhận xét: “Những ngày đầu mới đưa phố đi bộ vào sử dụng, các nhân viên bảo vệ trật tự quan tâm ngăn chặn bán hàng rong, nhưng nay có rất nhiều người vào bán hàng rong, chỉ mang theo vài chai nước bỏ vào thùng xốp nhỏ, khi thấy nhân viên bảo vệ thì bỏ đi qua chỗ khác bán. Những đường nhánh rẽ vào phố đi bộ xuất hiện những xe hàng rong đậu tràn lan để buôn bán. Cần sớm ngăn chặn, không nên để lâu thành khu chợ tự phát, sẽ khó xử lý. Nhiều người đến phố đi bộ cũng không ý thức giữ vệ sinh, mua hàng rong ăn uống xong rồi bỏ rác dưới chậu cây hay ven đường, mà không bỏ vào trong thùng rác. Đã thế, nhiều người hút thuốc lá còn vứt tàn ngay trên mặt đường. Đã có luật cấm hút thuốc nơi công cộng, sao không ai xử phạt?”.

Triển khai các giải pháp chấn chỉnh

Trả lời về việc chấn chỉnh trật tự và vệ sinh trên phố đi bộ, ông Võ Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Nghé (quận 1), cho biết: “Ngay sau khi tiếp nhận quản lý phố đi bộ đường Nguyễn Huệ vào cuối tháng 4, UBND phường đã tổ chức cuộc họp với Đội Trật tự đô thị quận để cùng công an và ban chỉ huy quân sự phường cùng phối hợp tuần tra giữ an ninh trật tự trên phố đi bộ, cho người dân vui chơi an toàn. Toàn bộ lực lượng phải chia nhau trực hàng ngày, một ca từ 7giờ đến 23 giờ và một ca từ 23 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau. Tuy vậy, vẫn chưa ngăn chặn triệt để được việc buôn bán hàng rong trên phố đi bộ, vì chỉ có thể xử phạt khi thấy có buôn bán giao dịch bằng tiền, không thể tự tiện kiểm tra xử phạt những người cầm thùng xốp, dù biết rằng họ trà trộn vào phố đi bộ bán hàng rong. Nhưng trường hợp bắt quả tang thì chúng tôi kiên quyết phạt nhằm răn đe, xóa bỏ hình thức trà trộn buôn bán hàng rong ở phố đi bộ. Về trật tự giao thông, do chưa có hướng dẫn cụ thể giao thông tại phố đi bộ và các đường nhánh rẽ vào và chưa có CSGT trực chốt phân luồng điều tiết giao thông, nên còn xảy ra tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm ở hai đầu đường Tôn Đức Thắng và Lê Thánh Tôn; nhiều người điều khiển xe chưa nhường đường cho người đi bộ. Nhiều người vi phạm khi còn viện lý do không có biển thông báo sao lại xử phạt. Chúng tôi đang kiên trì chấn chỉnh, đưa vào nền nếp, để phố đi bộ thực sự là một nét đẹp văn hóa và văn minh của TPHCM”.

Từ thực tế hoạt động và tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân, UBND quận 1 đã có kiến nghị với Khu Quản lý giao thông đô thị Số 1 lắp đặt thêm biển báo giao thông để có cơ sở pháp lý xử phạt. Đồng thời đề nghị điều chỉnh kỹ thuật để hệ thống camera có thể quan sát ghi hình toàn bộ quảng trường. Bố trí thêm lực lượng trực tại các chốt đèn để hướng dẫn người sử dụng cũng như cảnh báo phương tiện giao thông. UBND quận 1 cũng đã kiến nghị UBND TPHCM sớm thông qua dự thảo quy chế quản lý quảng trường Nguyễn Huệ, để UBND quận có cơ sở chỉ đạo lực lượng chức năng thực thi công tác giữ gìn an ninh trật tự, mỹ quan đô thị...

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục