Ung thư đang trở thành gánh nặng bệnh tật lớn nhất ở Việt Nam, khi mỗi năm có trên 100.000 người mắc mới và tử vong. Cùng với đó là gánh nặng rất lớn về kinh tế - xã hội. Rất nhiều người bị căn bệnh hiểm nghèo và nan y này đang rơi vào tình trạng khánh kiệt do chi phí điều trị rất lớn, thậm chí nhiều người còn không có khả năng chi trả viện phí, phải trốn viện và chấp nhận phó mặc tính mạng, sức khỏe của mình cho số phận.
Gánh nặng lớn
Khu khám bệnh của Bệnh viện (BV) K Trung ương đã gần trưa mà người bệnh tới khám vẫn đông nghẹt. Vạ vật cuối hàng lang BV, chị Lê Thúy (ở Kim Bảng, Hà Nam) trải vội tấm ni lông nhàu nát để chuẩn bị bữa trưa đạm bạc với vài cọng rau và ít đậu phụ. Trệu trạo miếng cơm nguội ngắt, chị Thúy nghèn nghẹn: Chồng tôi bị ung thư dạ dày đã nằm viện được gần 3 tháng rồi. Cả nhà chỉ làm nông, trông chờ vào mấy sào ruộng, thu nhập chẳng là bao. Khi chồng tôi đổ bệnh, bao nhiêu gà, heo ở nhà bán hết mà vẫn chưa đủ để chi trả thuốc thang, hóa chất điều trị, bệnh tình cũng chẳng tiến triển mấy... Ngồi gần chị Thúy, anh Sơn (ở Hạ Hòa, Phú Thọ) khuôn mặt xanh xao với cái đầu rụng tóc trọc lóc vì truyền hóa chất, mệt mỏi nói: “Suốt một năm nay, tháng nào tôi cũng phải vào đây truyền hóa chất để điều trị khối u tiền liệt tuyến. Chẳng biết có khỏi không, hay còn sống thêm được bao lâu nữa, nhưng giờ tôi và gia đình đã cảm thấy khổ sở và vất vả lắm khi mỗi đợt điều trị tốn kém hàng chục triệu đồng”.
Điều trị cho bệnh nhân ung thư ở Bệnh viện K Trung ương
Nhiều bác sĩ chuyên khoa về ung bướu chia sẻ, bệnh nhân ung thư không chỉ đau đớn, mệt mỏi về thể xác và tinh thần mà họ và gia đình còn phải chịu gánh nặng rất lớn về kinh tế, chi phí điều trị do việc chữa trị căn bệnh hiểm nghèo này mất nhiều thời gian và rất tốn kém, nhất là với những người không có BHYT. Thậm chí, có không ít trường hợp bệnh nhân ung thư vì vấn đề kinh tế đã đành bỏ dở quá trình điều trị, phó mặc tính mạng, sức khỏe cho số phận. Theo GS-TS Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), thống kê cho thấy chi phí điều trị bệnh ung thư ở nước ta cho lần nhập viện đầu tiên là 7 triệu đồng/người, nhưng cũng có không ít trường hợp lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí vài tỷ đồng. Vì thế, có nhiều gia đình khá giả, thu nhập tốt nhưng chỉ vì có người thân mắc ung thư mà dần rơi vào tình trạng nghèo khó, còn với gia đình bình thường thì nhanh chóng... khánh kiệt. Đáng chú ý, trong một nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của 1.900 bệnh nhân ung thư ở Trung tâm Ung bướu của Bệnh viện Bạch Mai và các Bệnh viện K Trung ương, Ung bướu TPHCM cho thấy, sau 12 tháng có tới hơn 24% số bệnh nhân tử vong. Những bệnh nhân còn lại có 22% gặp khó khăn về chi trả phí điều trị; 33,8% không còn tiền mua thuốc; 21,9% không thanh toán được chi phí đi lại, ăn uống và đặc biệt có hơn 66% phải vay tiền để tiếp tục điều trị.
Trong khi đó, thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, chỉ riêng trong năm 2014 và 2015, quỹ BHYT đã chi hơn 8.000 tỷ đồng cho bệnh nhân BHYT điều trị ung thư, trong đó chiếm 65% - 70% số tiền trên là dùng mua máu và thuốc, hóa chất, dịch truyền. Đáng lưu ý, thống kê y tế cho thấy, tổng gánh nặng kinh tế của 6 bệnh ung thư (ung thư vú, cổ tử cung, gan, đại trực tràng, dạ dày, khoang miệng) gây ra lên tới hơn 25.000 tỷ đồng/năm.
Báo động đỏ
Không chỉ gây thiệt hại, ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, xã hội mà ung thư còn đang là một gánh nặng lớn về bệnh tật khi số người mắc và tử vong do căn bệnh hiểm nghèo này đang tăng rất nhanh và đứng đầu trong số các bệnh không lây nhiễm ở nước ta. PGS-TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc BV K Trung ương, Viện trưởng Viện Phòng chống ung thư, cho biết hiện nay, BV K Trung ương đã có tới 3 cơ sở điều trị cho bệnh nhân ung thư, nhưng vẫn diễn ra tình trạng quá tải. Trung bình mỗi ngày tại BV có khoảng 2.000 người tới khám các loại bệnh về ung bướu. Còn qua tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng quá tải trầm trọng bệnh nhân ung thư còn xảy ra tại Trung tâm Ung bướu của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Ung bướu TPHCM, do lượng người bị ung thư ở các địa phương trong cả nước quá nhiều, cơ sở điều trị không đáp ứng nổi.
PGS-TS Trần Văn Thuấn cho biết thêm, hiện nay mỗi năm, cả nước có từ 130.000 -150.000 ca mới mắc ung thư và 95.000 ca tử vong. Ước tính tới năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 189.000 trường hợp mắc căn bệnh hiểm nghèo mỗi năm. Đặc biệt, các bệnh ung thư đều có xu hướng tăng lên nhất là đối với nam giới như: phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng, thực quản, vòm, hạch, máu, tuyến tiền liệt... Đáng chú ý, số người mắc ung thư ở Việt Nam không chỉ tăng nhanh mà số người được phát hiện bệnh sớm rất ít. Vì thế, có tới 71,4% bệnh nhân ung thư đến viện khi đã ở giai đoạn 3 trở lên là quá muộn. Đây là lý do vì sao số ca tử vong do ung thư ở Việt Nam cao hơn nhiều nước khác vì ung thư khi đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị rất khó khăn, hiệu quả vô cùng hạn chế.
Theo nhiều chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân khiến số người mắc và tử vong do ung thư tăng cao, trong đó đáng lo ngại nhất chính là tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm khủng khiếp và việc lạm dụng rượu bia, thuốc lá. Do đó, để giảm bớt gánh nặng rất lớn do ung thư gây ra, cần phải không ngừng nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng chống, đặc biệt trong hoạt động tầm soát, phát hiện sớm bệnh để giảm bớt số ca tử vong, cũng như nâng cao hiệu quả điều trị. Đồng thời, để bệnh nhân tiếp cận được các phương pháp chẩn đoán, điều trị tốt nhất thì bảo hiểm y tế phải giữ vai trò chủ yếu để đảm bảo các quyền lợi của bệnh nhân với các khoản chi trả rõ ràng, dễ hiểu, thanh toán thuận lợi nhằm giảm gánh nặng kinh tế cho người bệnh.
Nếu như năm 2000, tổng số ca mắc ung thư ở nam giới trong cả nước chỉ vào khoảng 36.000 người thì hiện đã tăng trên 72.000 ca/năm. Ung thư phổi ở nam giới vào năm 2000 có tỷ mắc là 29,3/100.000 dân, nhưng sau 10 năm tăng lên tới 35,1/100.000 dân. Đối với nữ giới, nếu như năm 2000 cả nước ghi nhận khoảng 32.700 ca mắc thì sau 10 năm, con số này đã là gần 55.000 ca/năm và dự báo tới năm 2020 sẽ 83.000 ca/năm.
Minh Khang