Dự thảo Báo cáo Kết quả thực hiện Luật Trẻ em do Thường trực Ủy ban Quốc gia về trẻ em đưa ra tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát tình hình thực hiện Luật Trẻ em của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, tổ chức ngày 9-8 cho biết, nguồn ngân sách để giải quyết những vấn đề nóng (bạo lực, xâm hại tình dục, đuối nước…) rất khó khăn. Nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí để thực hiện các chương trình, đề án dành cho trẻ em; công tác bảo vệ trẻ em chỉ được bố trí ngân sách chi thường xuyên ở mức thấp.
Vẫn theo Thường trực Ủy ban Quốc gia về trẻ em, tính đến tháng 6-2019, cơ quan này đã nhận được báo cáo về tình hình thực hiện Luật Trẻ em của 14/18 bộ, ngành, tổ chức ở cấp Trung ương và 38/63 địa phương, trong đó có 22 địa phương do cấp tỉnh ký báo cáo và 16 địa phương do cấp Sở ký báo cáo.
Theo đánh giá chung, điều rất đáng lo ngại là một số vấn đề nóng về trẻ em vẫn trong xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, như tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em, tai nạn thương tích trẻ em và tử vong do tai nạn thương tích, lao động trẻ em...
Trong khi đó, khả năng tiếp cận giáo dục và dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng và công bằng của một bộ phận trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, vẫn rất khó khăn.
Nhận định rằng số báo cáo tập hợp được còn chưa đầy đủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh, Trưởng Đoàn khảo sát, đề nghị Ủy ban Quốc gia về trẻ em đôn đốc các bộ, ngành có liên quan gửi báo cáo để đánh giá được toàn diện kết quả thực hiện Luật Trẻ em, làm rõ những kết quả đạt được, cũng như vướng mắc, kiến nghị để thực hiện cơ chế liên ngành ở địa phương, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trong thực hiện Luật Trẻ em.