Kinh tế châu Âu - Tương lai mù mịt

Hàng loạt thông tin về các nền kinh tế lớn thuộc Liên minh châu Âu (EU) gặp khó xuất hiện trong hơn một tuần qua làm lung lay kỳ vọng về sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Đã có rất nhiều các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế lục địa già nhưng chưa đem lại hiệu quả.
Kinh tế châu Âu - Tương lai mù mịt

Hàng loạt thông tin về các nền kinh tế lớn thuộc Liên minh châu Âu (EU) gặp khó xuất hiện trong hơn một tuần qua làm lung lay kỳ vọng về sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Đã có rất nhiều các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế lục địa già nhưng chưa đem lại hiệu quả.

  • Những tín hiệu không vui

Ngân hàng Trung ương Pháp ngày 8-8 dự báo GDP của Pháp sẽ giảm 0,1% vào quý 3-2012, tiếp nối theo đà sụt giảm trong quý 2. Nếu tình hình diễn biến đúng như dự báo, Pháp - nền kinh tế lớn thứ 2 của EU và thứ 5 của thế giới - chính thức rơi vào suy thoái lần thứ 2 trong vòng 3 năm qua. Dự báo của Ngân hàng Trung ương Pháp tiếp nối thông tin ảm đạm đến từ những nền kinh tế lớn khác của EU như Anh, Italia và đặc biệt là Đức, nền kinh tế mạnh nhất châu Âu thời điểm hiện nay.

Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cho biết kinh tế nước này trì trệ, không tăng trưởng trong cả năm 2012 bất chấp việc nền kinh tế có dấu hiệu tăng trở lại nửa cuối 2012. GDP của Italia trong quý 2-2012 thấp hơn 2,5% so với cùng kỳ năm 2011.

Trong khi đó, các chỉ số về sản xuất và xuất khẩu của Đức giảm 0,9% trong tháng 6 so với tháng 5, trong khi các chỉ số này cũng đã sụt giảm 1,7% trong tháng 5.

Người dân tìm việc tại bảng quảng cáo việc làm ở Đức.

Người dân tìm việc tại bảng quảng cáo việc làm ở Đức.

Jean-Paul Betbeze, chuyên gia kinh tế của ngân hàng Pháp Credit Agricole, cho rằng trước tình hình kinh tế khó khăn, các hộ gia đình Pháp đã tiết kiệm hơn trước. Giới kinh doanh không còn lạc quan mà tin rằng tăng trưởng sẽ yếu kém. Nhìn thời hạn cuối năm một cách bi quan, họ giảm đầu tư, giảm hàng dự trữ. Các công trình nhà ở xây mới tại Pháp trong quý 2 năm 2012 đã giảm 14% so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, lượng bán xe hơi trong tháng 7 thấp hơn 7% so với đầu năm 2012.

Khi chưa có các biện pháp hữu hiệu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chính sách thắt lưng buộc bụng được nhiều chính phủ tại châu Âu ưa chuộng. Tuy nhiên, một bài viết đăng tải trên trang web thepeoplesvoice.org cho rằng chính sách này chỉ càng làm gia tăng tỷ lệ đói nghèo và thất nghiệp. Hệ quả của chính sách này là ngày càng nhiều người lao động ở khu vực công bị sa thải. Lực lượng thanh niên từ 18-25 tuổi thất nghiệp tại châu Âu hiện rất phổ biến. Thay vào đó, một số nước đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu để duy trì lực lượng sản xuất, đồng thời cắt giảm quỹ lương hưu. Quỹ phúc lợi xã hội cũng bị cắt giảm, chi phí cho chăm sóc y tế và giáo dục bị xén bớt khiến xã hội đối mặt với thực tế khó khăn là khi đói nghèo gia tăng, cần một hệ thống y tế tốt hơn để chăm sóc sức khỏe người dân thì lại không có. Thuế tăng trong khi lương giảm sẽ đẩy người dân vào sâu hơn trong nợ nần và khốn cùng.

  • Mỏ neo duy trì ổn định

Nhằm đối phó cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng hiện nay, dự kiến ngày 11-9, Ủy ban Châu Âu (EC) giới thiệu kế hoạch về một ngân hàng liên minh. Ngân hàng này có nhiệm vụ giám sát toàn bộ các ngân hàng của khối, cùng với quỹ cứu trợ châu Âu có tên gọi Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) cho phép hỗ trợ trực tiếp các ngân hàng gặp khó khăn, tránh để nợ xấu các ngân hàng này trở thành món nợ quốc gia.

Trong bối cảnh khủng hoảng tiếp diễn mà chưa có các giải pháp triệt để, các chuyên gia kinh tế đã ghi nhận vai trò của các ngân hàng trung ương, như các thành lũy chống lại sự hỗn loạn. Mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng buộc các ngân hàng tạo ra phương thức can thiệp mới. Trong thời gian khủng hoảng làm chao đảo toàn thế giới, các định chế tiền tệ này đã làm hết sức để trở thành “những mỏ neo duy trì sự ổn định”. Gần đây, để hỗ trợ hơn nữa khu vực đồng tiền chung euro (eurozone), các ngân hàng trung ương còn chấp nhận mua lại nợ của các quốc gia gặp khó khăn điều trước đó vốn không được phép.

Một cuộc khảo sát mới nhất của Fitch Ratings cho thấy, nhà đầu tư nhận định các ngân hàng đang suy giảm và đa số họ dự báo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phải tung lượng tiền mặt lớn để ổn định các ngân hàng thương mại các nước trong eurozone. 82% các nhà đầu tư tin rằng các ngân hàng trong eurozone cần một đợt cứu trợ - cho vay với lãi suất rất thấp có khi bằng 0 - vào cuối năm nay.

Vừa qua, ECB đã tung hai đợt cứu trợ cho các ngân hàng trong khu vực tổng cộng 1,26 tỷ USD. 54% nhà đầu tư nhận định điều kiện tín dụng cơ bản của các ngân hàng thương mại đang tệ hơn bao giờ hết và ngày càng xấu đi, tăng từ 45% trong quý 2 và từ 38% trong quý 1 năm nay. Cuộc thăm dò được thực hiện với các nhà đầu tư quản lý số vốn ước tính 7,2 ngàn tỷ USD. 

ĐỖ VĂN (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục