Dù tiếp tục là mức tăng trưởng thấp nhất cùng kỳ trong nhiều năm gần đây nhưng trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nền kinh tế hàng đầu vẫn “điêu đứng” vì Covid-19 (dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay giảm tới 5,2% - mức suy thoái cao nhất trong 8 thập kỷ qua) thì tăng trưởng của Việt Nam được coi là thành công lớn.
Trụ vững trong khó khăn
Có thể thấy, những chỉ số “sức khỏe” của nền kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn tương đối tốt: mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, thanh khoản thị trường được bảo đảm; dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước đến nay. Năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân dự kiến tăng 3,5%-3,9% (mục tiêu dưới 4%); huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 33,6% GDP (mục tiêu 33%-34% GDP). Đặc biệt, điểm sáng quan trọng của nền kinh tế là xuất khẩu tăng, xuất siêu 17 tỷ USD sau 9 tháng trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm nghiêm trọng; xuất khẩu của khu vực trong nước vươn lên mạnh mẽ.
Một cơ sở khác để lạc quan là tiềm năng giải ngân vốn đầu tư công. Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, thông thường quý cuối năm bao giờ tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cũng sẽ được đẩy mạnh hơn so với các quý đầu năm.
Trong khi đó, ước tính nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước 9 tháng vừa qua đã đạt 303.000 tỷ đồng, bằng 59,7% kế hoạch năm và tăng 33,3% so với cùng kỳ, đạt cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020, góp phần quan trọng duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện đang được kiểm soát tốt.
Báo cáo mới nhất mà Bộ KH-ĐT vừa gửi Chính phủ nhận định, nếu không có vấn đề bất thường xảy ra trong các tháng cuối năm, tốc độ tăng GDP có thể đạt khoảng 2,51%. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, nếu tình hình thế giới thuận lợi, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 2,8% trong năm nay.
Tình hình đặc biệt cần giải pháp đặc biệt
Mặc dù vậy, không thể không thừa nhận sức khỏe của nền kinh tế bị “bào mòn” rõ rệt. Dễ thấy nhất là chiếc túi ngân sách đã… nhẹ hơn nhiều. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh bày tỏ lo ngại, khi tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 15-9 ước đạt 902.500 tỷ đồng, chỉ bằng 59,7% dự toán năm - thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Nền kinh tế tuy xuất siêu tới 17 tỷ USD nhưng tăng trưởng xuất khẩu chỉ ở mức 4,2%, đạt trên 202 tỷ USD, cho thấy xuất siêu cao một phần do nhập khẩu giảm - hệ lụy của việc doanh nghiệp không mua được nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Lạm phát đang trong tầm kiểm soát, tuy nhiên CPI bình quân 9 tháng đã đạt 3,85%, gần tiệm cận mức trần 4%, nên dư địa điều hành giá cả những tháng cuối năm không còn nhiều, trong khi theo quy luật thị trường, giá cả có xu hướng tăng vào những tháng cuối năm.
Vào thời điểm Quốc hội bấm nút quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2020, bóng đen Covid-19 còn chưa xuất hiện. Giờ đây, mặc dù Việt Nam đã kiểm soát tình hình khá tốt, song trên thế giới, đỉnh dịch vẫn chưa qua. Các chuyên gia kinh tế thống nhất quan điểm cho rằng, không thể đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của năm 2020 theo cách thông thường, cũng không thể máy móc áp dụng các “khung” và “trần” theo thông lệ.
Mục tiêu tăng trưởng GDP 6%-6,5% cho năm 2021, tuy có vẻ cao, nhưng là so với một “cốt nền” thấp, nên có thể hiểu mức này chỉ mới là bước “phục hồi kinh tế”. Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, bội chi có thể tăng hơn 1% so với kế hoạch là phải chấp nhận, thậm chí là cần thiết, đặc biệt là khi ngân sách được sử dụng để tạo lực cầu.
Trao đổi với phóng viên SGGP, TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhận định: “Đây chính là lúc Quốc hội cần tạo điều kiện cho Chính phủ, chính quyền các cấp điều hành chủ động, linh hoạt trên cơ sở các nguyên tắc Quốc hội đã thiết lập. Một mặt giảm bớt những thủ tục phê duyệt nhiều tầng nấc trước đầu tư, mặt khác, công tác kiểm toán, giám sát cần tiến hành chặt chẽ để đảm bảo đầu tư hiệu quả, tránh thất thoát”.
Cải cách thể chế để thị trường vận hành hiệu quả
Năm 2020 cũng là thời điểm hoạch định chặng đường 5 năm phát triển tiếp theo của đất nước. Theo Báo cáo đánh giá sơ bộ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của Bộ KH-ĐT, giai đoạn 2016-2020 có thể là kỳ đầu tiên trong 3 kế hoạch 5 năm gần đây nhất, chỉ tiêu GDP có thể cán đích, nếu không có biến cố Covid-19.
Trong tổng số 18 chỉ tiêu đã có đánh giá sơ bộ, có 14/18 chỉ tiêu đạt và vượt, 4 chỉ tiêu không đạt gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị. Đáng nói, 4 chỉ tiêu này đều có ý nghĩa quyết định sức khỏe của nền kinh tế.
Chính vì thế, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, để có thể duy trì nhịp độ phát triển, cần có những giải pháp đột phá trên cả 3 “chân kiềng”: thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng.
Lưu ý đến việc Việt Nam đã ký kết các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, yếu tố then chốt vẫn là cải cách thể chế, mở không gian cho thị trường vận hành hiệu quả nhất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, các hình thức kinh doanh trên nền tảng số đang là cơ hội rất lớn, rất phù hợp với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa của Việt Nam.
Chia sẻ quan điểm của ông Vũ Tiến Lộc về phát triển và vận hành thị trường, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, nhìn nhận, người dân, doanh nghiệp hiện nay “đã có tự do kinh doanh, nhưng thiếu an toàn kinh doanh”.
Trong một môi trường kinh doanh vốn chuyển biến rất nhanh chóng, cộng thêm yếu tố bất định do tác động của Covid-19, an toàn kinh doanh thực sự là yếu tố đầu tiên mà các nhà đầu tư, dù trong hay ngoài nước, tiềm lực mạnh hay chưa mạnh, đều phải nghĩ tới. Vì thế, củng cố hệ thống tư pháp để giải quyết nhanh chóng, thỏa đáng các tranh chấp, bảo vệ được lợi ích, tài sản của nhà đầu tư, là trách nhiệm quan trọng hàng đầu của Nhà nước trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội.
Dự kiến một số mục tiêu tăng trưởng cho năm 2021 - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6%-6,5% so với năm 2020. (Theo báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ trình Quốc hội) |