Kinh tế - xã hội giữ xu thế tích cực, song thiên tai, dịch bệnh là thách thức lớn

Mặc dù nhiều tổ chức uy tín trên thế giới như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Liên hợp quốc…) đều có những dự báo và nhận định không mấy khả quan về triển vọng kinh tế toàn cầu, song tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 4 tháng đầu năm vẫn giữ được xu thế tích cực từ cuối năm 2018.

 

Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2018
Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2018

Tại phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa khai mạc sáng nay, 8-5, Chính phủ và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thống nhất nhận định, bước vào năm 2019, mặc dù nhiều tổ chức uy tín trên thế giới như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Liên hợp quốc…) đều có những dự báo và nhận định không mấy khả quan về triển vọng kinh tế toàn cầu, song tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 4 tháng đầu năm vẫn giữ được xu thế tích cực từ cuối năm 2018.

Cụ thể, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Cơ cấu nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Các chỉ số tài chính, tiền tệ, lãi suất nhìn chung ổn định; thị trường ngoại hối diễn biến tích cực, cung cầu ngoại tệ trong nước thuận lợi, thanh khoản tốt, dự trữ ngoại hối tiếp tục được nâng lên. Thu, chi ngân sách nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu; đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khá. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng cao. Cán cân thương mại hàng hóa duy trì xuất siêu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường trong nước nhìn chung ổn định, cung cầu hàng hóa được bảo đảm. Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt kết quả nhất định, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm dần.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới.

Đáng lưu ý, thiên tai, dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, có khả năng ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh những tháng tiếp theo và khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019, đòi hỏi được nghiên cứu, đánh giá thận trọng để chuẩn bị các phương án và giải pháp phù hợp để đạt được mục tiêu đề ra. Dịch tả lợn châu Phi đang là khó khăn lớn nhất của ngành chăn nuôi, ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng của ngành, thu nhập và đời sống của người nuôi. Sản lượng tiêu thụ và giá thịt lợn giảm trong những tháng đầu năm.

Trong khi đó, hạn hán xuất hiện sớm ở khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân tại khu vực. Một số tổ chức môi trường cảnh báo hiện tượng thời tiết cực đoan (El Nino và La Nina) có thể sẽ ảnh hưởng đồng thời đến khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Do đó cần có những giải pháp phòng, chống hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại.

Tốc độ tăng GDP quý I năm 2019 ước đạt 6,79%, tuy vẫn là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận và cao hơn tăng trưởng quý I các năm 2011-2017, nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 (-1,31%), năm 2017 (2,08%), nhưng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 (4,24%) và thấp hơn mục tiêu là 0,29 điểm phần trăm.

Ngành thủy sản duy trì mức tăng khá về sản lượng nhưng cũng gặp sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các quốc gia có cùng mặt hàng; sản lượng khai thác cũng biến động do năm 2019 các địa phương bắt đầu thực hiện kiểm soát tàu đánh bắt thủy sản xa bờ để thực hiện Luật Thủy sản và khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành 4 tháng đầu năm ước tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2018, tuy cao hơn mức tăng 7,4% và 6,6% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017, nhưng thấp hơn mức tăng 10,7% của cùng kỳ năm 2018.

Đặc biệt ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mặc dù tiếp tục đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế nhưng không đạt tốc độ tăng trưởng bứt phá như cùng kỳ năm 2018. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo không còn duy trì được tốc độ tăng IIP ấn tượng như giai đoạn trước, đặc biệt là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 tăng 23,6%); ngành khai khoáng chỉ tương đương cùng kỳ năm trước. Ngành xây dựng tăng khá (6,68%), tuy cao hơn mục tiêu đề ra 0,5 điểm phần trăm nhưng thấp hơn so với cùng kỳ các năm 2016 (8,6%), 2017 (7,6%) và 2018 (6,8%).

Trình bày Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: “Tình hình nhà ở và thị trường bất động sản còn khó khăn do thiếu hụt nguồn cung quỹ đất, thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính về đất đai, chuyển nhượng dự án; hiện tượng đẩy giá, “sốt đất ảo” xuất hiện ở một số nơi; tâm lý lo ngại nguy cơ “bong bóng” bất động sản quay lại theo chu kỳ 10 năm”.

Dự báo trong những tháng còn lại, nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, thách thức không nhỏ đến từ nội tại của nền kinh tế, đặc biệt là khi các động lực chính cho tăng trưởng vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, trong khi dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng còn rất hạn chế.

Tin cùng chuyên mục