Khai mạc Diễn đàn “Hội nhập khu vực và tiến trình hiện đại hóa của Việt Nam”

Quyết sách dỡ bỏ “thắt cổ chai”

Quyết sách dỡ bỏ “thắt cổ chai”

Sáng 23-4, hơn 500 đại biểu trong và ngoài nước là quan chức chính phủ, các bộ ngành, các tổng giám đốc, tổng biên tập… đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam “Hội nhập khu vực và tiến trình hiện đại hóa của Việt Nam” do Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Hiệp hội Truyền thông châu Á và Thông tấn xã Việt Nam phối hợp tổ chức. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã tham dự và chủ trì phiên khai mạc diễn đàn.

  • Nới lỏng vốn sở hữu cho các nhà đầu tư lên 15%

Hôm nay 24-4, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có cuộc tọa đàm với lãnh đạo Bộ KH-ĐT và lãnh đạo UBND TPHCM về môi trường đầu tư tại TPHCM.

Ngay sau bài phát biểu chào mừng các đại biểu tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, lập tức nhiều nhà đầu tư nước ngoài (NĐT NN) đã làm nóng diễn đàn, bằng cách chất vấn các quan chức Chính phủ về tiến độ cổ phần hóa, tỷ lệ sở hữu vốn của các NĐT trong các ngân hàng Nhà nước (NHNN) và chương trình phát hành trái phiếu chính phủ trong thời gian tới như thế nào.

Theo Phó Thủ tướng, tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các NHNN được nâng lên từ 10% lên 15% và có thể đạt tới 20% đối với các cổ đông chiến lược. Nhưng tổng vốn bán ra cho các đối tác nước ngoài sẽ không được vượt quá 30% vốn điều lệ.

Liên quan đến việc phát hành trái phiếu, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã phát hành lượng trái phiếu lên tới 750 triệu USD. Việc phát hành thành công đã phần nào đánh giá được mức độ tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài đối với VN, dù con số này chẳng thấm vào đâu so với tổng nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào VN trong năm 2006. Dự kiến, trong năm 2007, VN sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu với khoảng 1 tỷ USD. Toàn bộ số tiền này sẽ được sử dụng trong việc phát triển hạ tầng cơ sở, ngành cơ khí, vận tải…

Quyết sách dỡ bỏ “thắt cổ chai” ảnh 1

Công ty Nidec Corporation Việt Nam (Khu Công nghệ cao TPHCM), đơn vị nước ngoài có vốn đầu tư lớn ở Việt Nam. Ảnh: THÀNH TÂM

Về việc VN nới lỏng mức vốn cho NĐT NN, ông Jeremy Amias, Giám đốc Điều hành Citigroup, Tổng giám đốc Kinh doanh ngoại tệ và Nguồn vốn khu vực châu Á nói: “Chúng tôi rất vui mừng trước động thái này. Nếu các NĐT được mua nhiều cổ phần thì các NHNN sẽ có lợi hơn vì ngoài khả năng về vốn, các NHVN sẽ được tiếp cận với nhiều dịch vụ, phong cách quản trị khoa học hơn.

Theo đó, VN cần mạnh dạn hơn nữa trong việc phát hành trái phiếu. Con số 1 tỷ USD trái phiếu VN sắp phát hành sẽ chẳng thấm vào đâu so với Malaysia đã phát hành tới 20 tỷ USD! Tuy nhiên, để thu hút các NĐT, VN cần tạo ra các khung pháp lý trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ để các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc mua bán, trao đổi trái phiếu. Chính phủ cũng cần lắng nghe phản hồi từ phía các NĐT để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc”.

Theo gợi ý của ông Jeremy, có nhiều kỹ thuật để phát triển nguồn vốn như đa dạng hóa nguồn vốn, bằng cách thông qua các quỹ đầu tư, bảo hiểm, các tổ chức nhà nước… Cần cải thiện việc minh bạch thông tin và xử lý tốt các vấn đề về giao dịch cũng sẽ tạo điều kiện cho lĩnh vực này của VN phát triển bền vững.

Tổng Giám đốc Vina Capital cũng nhìn nhận, phát triển thị trường vốn tại VN đang trở thành vấn đề nóng bỏng, có rất nhiều nhà đầu tư đang “đổ” tiền vào thị trường này. Do vậy, cùng với việc Chính phủ phát hành trái phiếu, VN cần khuyến khích các DN phát hành trái phiếu để đa dạng hóa các kênh đầu tư. Việc kết nối giữa 2.500 công ty đang hoạt động trên thị trường OTC với thị trường chứng khoán Hà Nội cũng cần được tiến hành sớm hơn nhằm tạo ra nhiều hàng hóa cho các nhà đầu tư.

Điểm mạnh của thị trường chứng khoán VN là tăng trưởng tới 45%, cao hơn so với một số thị trường trong khu vực, nhưng nhược điểm là tính thanh khoản lại rất thấp – đây chính là hạn chế cần sớm được khắc phục.

  • Giải pháp nào cho VN đến năm 2020?

Trong 3 phiên họp tại diễn đàn thì có tới 2 phiên đề cập đến những vấn đề thiết thực đặt ra cho VN trong bối cảnh chung của khu vực, những thách thức đối với VN trên chặng đường phát triển.

Ông Shozo Sakata, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu các nền Kinh tế đang phát triển, Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (IDE-JETRO) đã mở đầu bằng cách đưa ra câu hỏi “Liệu đến năm 2020, VN có đạt được mức GDP đầu người/năm là 1.800 USD, ngang bằng mức GDP của Thái Lan vào năm 1995 hay không? Tính toán một cách đơn giản là nếu VN đạt được con số này với giả định tốc độ tăng dân số là 1,3% như hiện nay, thì VN phải đạt và duy trì mức tăng trưởng là 8%/năm từ nay cho đến năm 2020. Tuy nhiên, việc duy trì tốc độ tăng trưởng là một trong những thách thức to lớn đối với VN!

Cùng quan điểm trên, GS Pietro P.Masina, Trường Đại học Naples, Italy cũng chỉ ra rằng, quá trình VN thực hiện đổi mới kinh tế, đã xuất hiện sự bất bình đẳng trong thu nhập của người VN tăng lên đáng kể. Điều này khiến VN sẽ gặp nhiều cản trở mà nó có thể gây nên sự yếu kém của một nền kinh tế, sự phân cách giữa cơ chế sản xuất với nhu cầu tiêu dùng, sự mất chủ quyền trong quan hệ kinh tế.

Vấn đề này cần phải được quan tâm một cách tốt nhất. Chúng ta không nên để những thành tích đã đạt được làm lu mờ những thách thức phía trước.

Làm gì để VN có thể duy trì mức tăng trưởng bền vững 8%/năm? Theo ông Sakata, có 2 vấn đề được đặt ra. Thứ nhất, VN cần phải tăng năng lực của khu vực xuất khẩu. Thứ hai, VN cần phải tăng cường thu hút vốn FDI. Để có được một số lượng lớn vốn FDI đổ vào, VN cần phải có những quyết sách để dỡ bỏ các “thắt cổ chai” và vướng mắc của các nhà đầu tư.

“Sự cần thiết phải thiết lập mối quan hệ hai bên cùng có lợi giữa các DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN trong nước cũng cần phải tính đến. Khi có sự liên kết thì một phần sản xuất của họ sẽ được nội địa hóa sẽ cắt giảm được rất nhiều chi phí trong kinh doanh” – Sakata đề xuất.

Giải pháp cho VN ở tầm vĩ mô, GS Pietro cho rằng, lịch sử đã chứng minh không có một nước nào trên thế giới trở thành một nước công nghiệp bằng việc thông qua thương mại tự do. “Kinh nghiệm từ các nước có nền kinh tế phát triển của châu Á cho thấy, thành công chỉ có thể là sự kết hợp khéo léo giữa định hướng xuất khẩu với việc bảo hộ một số ngành công nghiệp chiến lược” – GS kết luận.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn New Hope Liu Yong Hao:
Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực bất động sản

Cách đây 9 năm, tôi đã chọn VN là nước đầu tiên trong việc đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn New Hope. Chừng đó thời gian New Hope đã kịp thành lập 6 công ty, hoạt động trong các lĩnh vực của nông nghiệp. Có thể nói, tôi đã chọn đúng địa chỉ để đầu tư, so với trước đây tình hình đầu tư vào VN đang có nhiều thuận lợi.

Tôi đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía Chính phủ cũng như chính quyền địa phương nơi New Hope đầu tư. Tôi đang tính toán sẽ tiếp tục thành lập 2 công ty nữa tại VN. Lĩnh vực đầu tư sẽ là bất động sản vì hiện nay kinh tế VN đang phát triển rất mạnh, thu nhập bình quân của người dân cũng được cải thiện rõ rệt nên nhu cầu về bất động sản là rất lớn.

Đến dự diễn đàn lần này, tôi đã dẫn đầu 70 DN Trung Quốc là chủ tịch HĐQT, giám đốc của các công ty đến tìm hiểu về các lĩnh vực sản xuất sắt thép, luyện nhôm và công nghệ cao. Tôi cũng đã đăng ký để tham dự buổi tọa đàm với đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư, UBND TP để các DN trong đoàn lên kế hoạch đầu tư cụ thể.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục