Thị trường vật liệu xây dựng khó khăn trước sức ép hội nhập

Đầu tư dàn trải dẫn đến cung vượt cầu, trong khi đó tiềm lực yếu cũng như thiếu chính sách hỗ trợ đang khiến ngành vật liệu xây dựng (VLXD) gặp nhiều bất lợi khi tham gia vào sân chơi toàn cầu.
Thị trường vật liệu xây dựng khó khăn trước sức ép hội nhập

Đầu tư dàn trải dẫn đến cung vượt cầu, trong khi đó tiềm lực yếu cũng như thiếu chính sách hỗ trợ đang khiến ngành vật liệu xây dựng (VLXD) gặp nhiều bất lợi khi tham gia vào sân chơi toàn cầu.

Canh tranh gay gắt

Theo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, trong năm 2015 cạnh tranh trên thị trường VLXD sẽ quyết liệt hơn bởi kinh tế trong nước hội nhập sâu hơn với khu vực và thế giới. Đây cũng là năm Việt Nam cam kết cắt giảm 93% số dòng thuế có mức thuế suất 0% và 7%. Đặc biệt, khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) cũng đang tiến tới thực hiện những cam kết cuối cùng để thành lập Cộng đồng ASEAN (AEC) vào năm 2015. Đáng chú ý, thời gian qua, ngành VLXD trong nước đầu tư ào ạt, dàn trải và thiếu định hướng chiến lược, dẫn đến cung vượt cầu, tranh mua tranh bán. Trong khi đó, ngày càng nhiều sản phẩm VLXD nội địa lại bị hàng ngoại chèn ép ngay trên sân nhà.

Công suất sản xuất thép của doanh nghiệp trong nước đã vượt gấp đôi nhu cầu tiêu thụ.

Theo tổng hợp mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), đến nay công suất loại thép này của các nhà máy trên cả nước đã lên đến 11 triệu tấn, vượt gần gấp đôi nhu cầu. Do nguồn cung vượt quá xa nhu cầu đã ra tạo sức ép cạnh tranh lớn giữa các doanh nghiệp trong ngành. Đáng chú ý, dù cung-cầu chênh nhau khá lớn nhưng hiện vẫn có nhiều dự án thép đã và đang được tiếp tục đầu tư mở rộng hoặc xây mới, nằm xen kẽ ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, khi các hiệp định thương mại song phương, đa phương có hiệu lực sẽ tạo ra sức ép từ các quốc gia có thế mạnh về thép như Hàn Quốc, Nga, Belarus… vào ngành thép Việt Nam. Các hoạt động cạnh tranh cả trong nước và ngoài nước cũng sẽ diễn biến mạnh mẽ hơn. Do đó, các dây chuyền sản xuất thép mới ra đời như Vinakyoei, Possco SS, Formosa góp phần tăng cung mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc gia tăng nguồn cung trong nước, nhưng lại cộng thêm hàng nhập khẩu tràn vào nhờ được ưu đãi thuế nhập khẩu giảm theo Hiệp định Tự do thương mại sẽ tạo ra khó khăn lớn cho ngành thép trong nước. Đáng lo ngại hơn, còn có thép Trung Quốc thường xuyên được đưa vào thị trường Việt Nam tiêu thụ với số lượng lớn.

Không chỉ lại ở lĩnh vực thép, Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng cho biết, thời gian gần đây còn xảy ra hiện tượng cung vượt cầu ở một số mặt hàng như xi măng, gạch ốp lát, kính xây dựng… Nguyên nhân do tình trạng đầu tư quá nóng, các doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước đều ào ạt đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, việc bổ sung quá nhiều dự án nằm ngoài quy hoạch đã làm tăng thêm sức ép về nguồn cung VLXD đối với thị trường. Theo các chuyên gia kinh tế, dù đầu tư ào ạt nhưng tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp trong ngành VLXD hiện không mạnh. Tỷ lệ vốn vay trên tổng vốn đầu tư lớn, do đó doanh nghiệp VLXD rất dễ bị ảnh hưởng khi thị trường tài chính có biến động. Chưa kể, cũng do tiềm lực tài chính yếu nên doanh nghiệp không đầu tư được các thiết bị tốt để sản xuất nên chất lượng và giá thành thiếu tính cạnh tranh. Đặc biệt, khi hội nhập vào sân chơi toàn cầu, nhiều nước có nguồn cung VLXD dư thừa như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc… sẽ đẩy mạnh xuất khẩu để giảm tồn kho, qua đó sẽ càng cạnh tranh gay gắt hơn.

Cần cạnh tranh lành mạnh

Để giải bài toán cung vượt cầu, giảm tồn kho trước sức ép cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp trong ngành VLXD cho biết, sẽ nâng sức cạnh tranh sản phẩm bằng nhiều chiến lược khác nhau, đồng thời chú trọng hơn vào nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu qua một số thị trường. Còn theo Chủ tịch Hội VLXD Tống Văn Nga, để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định, chủ động trước thời cơ và thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu. Các doanh nghiệp VLXD trong nước cần cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và giá thành sản xuất. Ngoài ra, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho xuất khẩu VLXD. Cụ thể, quan tâm hơn đến hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật, chứng nhận xuất xứ hàng hóa, đặc biệt cần xây dựng thương hiệu, mạng lưới tiếp thị, phân phối sản phẩm thật tốt để giúp doanh nghiệp trong nước ứng phó trước sức ép cạnh tranh khi hội nhập. Mặt khác, Cục Xúc tiến thương mại cần có chiến lược, tổ chức mạng lưới đồng bộ nhằm tạo cầu nối giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận các thị trường mới hiệu quả nhất.

Theo Tiến sĩ Lương Đức Long, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, việc xuất khẩu VLXD cần được đặt ra cho phù hợp. Trước mắt, cần lựa chọn để xuất khẩu những mặt hàng VLXD mang lại hiệu quả kinh tế và giá trị gia tăng lớn. Sản lượng xuất khẩu cũng nên cân đối với một tỷ lệ nhỏ, khoảng 10% so với tổng cầu nội địa. Ngoài ra, nên có những ưu tiên với ngành VLXD để đảm bảo phát triển ổn định, trong lâu dài như: đầu tư, phát triển có kế hoạch, bám sát vào quy hoạch; cải tiến công nghệ, sản xuất để đạt được năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn, chi phí thấp hơn. Các doanh nghiệp cần nâng cao trình độ quản lý, điều hành; lựa chọn những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, chủ động tham gia thị trường quốc tế và tận dụng sử dụng nguyên liệu là phế thải, nhiên liệu có thể tái tạo được.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục