Kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi: Mãi là niềm tự hào dân tộc

Ngày 13-2, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi, mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789) và lễ động thổ, tu bổ, tôn tạo di tích địa điểm Chiến thắng Ngọc Hồi. Tới dự buổi lễ có ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội và đại diện các ban, ngành chức năng của TP Hà Nội.

Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường nhấn mạnh, mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789), nghĩa quân Tây Sơn, dưới sự lãnh đạo của người Anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung-Nguyễn Huệ đã lập kỳ tích vẻ vang, phá tan tuyến phòng thủ của quân Thanh và cùng cánh quân phía Tây Nam mở toang cửa tiến vào kinh thành Thăng Long, xóa bỏ ách đô hộ của quân xâm lược nhà Thanh và chế độ phong kiến cuối Thế kỷ XVIII, thống nhất giang sơn, giành nền độc lập, đem lại cuộc sống yên bình cho dân tộc.

z5157324103592-085c0e323ba5bcbeebcfc1f590e1616d-4851.jpg
Lễ kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi được Hà Nội tổ chức trang trọng

Nổi bật trong chiến công chung đó là trận hành quân thần tốc đại phá đồn Ngọc Hồi, cứ điểm phòng ngự quan trọng bậc nhất trong hệ thống phòng thủ của Tôn Sĩ Nghị và quân Thanh. Đồn Ngọc Hồi của quân Thanh (nay là xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì) được xây dựng khoảng tháng Chạp năm Mậu Thân (1788) trên cánh đồng phía Nam, cách kinh thành Thăng Long 14km, có vị trí trọng yếu, khống chế con đường thiên lý, ngăn chặn cuộc tiến công của quân Tây Sơn từ Tam Điệp ra, bảo vệ cửa ngõ phía Nam thành Thăng Long.

Với khí thế tấn công thần tốc, đánh tiêu diệt nhanh bằng sức mạnh áp đảo, đêm mùng 4, rạng sáng ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu, đội quân Tây Sơn tấn công đồn Ngọc Hồi dưới sự đốc chiến trực tiếp của vua Quang Trung. Trước sự tấn công vũ bão của quân Tây Sơn, quân Thanh không chống cự nổi phải bỏ chạy tán loạn, số tàn quân sống sót bị dồn về đầm Mực, cánh đồng thuộc xã Vĩnh Quỳnh, gần Ngọc Hồi ngày nay. Mô tả trận đánh này, tác phẩm Hoàng Lê Nhất thống chí chép: “Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết…Thây nằm đầy đồng, máu chảy thành suối, quân Thanh đại bại”.

Chiến thắng Ngọc Hồi đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân Thanh xâm lược, mở toang cửa ngõ phía Nam Thăng Long cùng các cánh quân khác… ào ạt tiến vào Thăng Long khiến Tôn Sĩ Nghị phải chui vào ống đồng tháo chạy về nước. Tướng Sầm Nghi Đống phải tự tử. Quang Trung dẫn đầu đoàn quân chiến thắng tiến vào Thăng Long trong niềm hân hoan vui sướng của toàn thể nhân dân. Chiến thắng Ngọc Hồi có ý nghĩa quyết định trong việc giải phóng Thăng Long.

“Trong 235 năm qua, chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi- Đống Đa mùa Xuân năm Kỷ Dậu mãi mãi là niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt và của mỗi người dân Thủ đô văn hiến. Bởi đó là sự kết tinh sức mạnh của khối đại đoàn kết, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, là chiến thắng của đạo lý chính nghĩa thắng phi nghĩa, là chiến thắng của trí tuệ dân tộc, của nghĩa quân Tây Sơn, đứng đầu là anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ”, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì nhấn mạnh.

z5157324091884-c821a3c414de99b0a222997caea97c00-9636.jpg
Các đại biểu tiến hành động thổ dự án tu bổ, tôn tạo di tích Chiến thắng Ngọc Hồi

Di tích địa điểm chiến thắng Ngọc Hồi, mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789) ở xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì được xây dựng năm 1989, được xếp hạng Di tích lịch sử cấp thành phố năm 2019. Với tổng mức đầu tư hơn 48 tỷ đồng, Dự án tu bổ, tôn tạo di tích địa điểm Chiến thắng Ngọc Hồi có quy mô đầu tư xây dựng đồng bộ, tổng thể, gồm: tu bổ, tôn tạo cổng phụ, đài tưởng niệm; nhà lục giác, nhà khách. Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp khu vực khán đài và xây mới nhà trưng bày, nhà tưởng niệm bằng đá; tôn tạo, nâng cấp sân vườn tổng thể và một số hạng mục khác… trong khuôn viên khoảng 7.000m2. Thời gian hoàn thành công trình vào năm 2025.

Tin cùng chuyên mục