Kỷ niệm 36 năm ngày Báo Sài Gòn Giải Phóng xuất bản số đầu tiên (5-5-1975 – 5-5-2011) - Những ký ức ân tình

Kỷ niệm 36 năm ngày Báo Sài Gòn Giải Phóng xuất bản số đầu tiên (5-5-1975 – 5-5-2011) - Những ký ức ân tình

Hơn 36 năm trước, ngày 30-4-1975, ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất là một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Trong đoàn quân chiến thắng, có một nhóm phóng viên báo Giải Phóng từ chiến khu trở về thành phố bước vào nhiệm vụ mới: Xây dựng một tờ báo Đảng để kịp thời tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, của chính quyền cách mạng ngay từ những giờ phút đầu tiên của đất nước thống nhất.

Chỉ 5 ngày sau khi thành phố Sài Gòn được giải phóng, ngày 5-5-1975, nhật báo Sài Gòn Giải Phóng số đầu tiên đã ra mắt đồng bào, chiến sĩ ở TPHCM và trên khắp cả nước. Đây là một sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội đặc biệt đối với Đảng bộ và người dân thành phố. Kể từ số báo đầu tiên ấy cho đến nay, Báo SGGP, cơ quan ngôn luận của Thành ủy TPHCM, tiếng nói của chính quyền và nhân dân, đã trở thành một người bạn thân thiết, một món ăn tinh thần bổ ích, không thể thiếu đối với đông đảo bạn đọc trong nước và nước ngoài.

Trong những ngày tháng năm lịch sử, để kỷ niệm 36 năm xây dựng và phát triển của tờ báo và chào mừng những sự kiện lớn của đất nước, Ban Biên tập, Đảng ủy Báo SGGP quyết định xuất bản tập sách: “Báo Sài Gòn Giải Phóng - Ký ức 35 năm” (*) tuyển tập những bài viết của nhiều tác giả về những kỷ niệm sâu sắc với Báo SGGP.

49 bài viết trong tập sách là những xúc cảm ân tình của đội ngũ những người từng gắn bó với Báo SGGP trong suốt thời gian qua, tuy ở nhiều cương vị công tác khác nhau. Từ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước như Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đồng chí Võ Trần Chí (nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM) cho tới các đồng chí lãnh đạo của Thành ủy TPHCM và chính quyền như: Lê Thanh Hải (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM), Lê Hoàng Quân (Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM), Phạm Phương Thảo (nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM), Trần Trọng Tân (nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM), Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phan Xuân Biên (nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM) và một số đồng chí khác như: Huỳnh Phong Tranh (Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng), Nguyễn Phong Quang (nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang), Nguyễn Tuấn Khanh (Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau)… Tất cả đều dành những tình cảm chân thành, những ý kiến thẳng thắn, chân tình cùng niềm cảm xúc chung, mong muốn tờ báo Đảng phát triển vững mạnh, tạo được những dấu ấn trong lòng bạn đọc.

Với 36 năm phát triển, từ một tờ báo chỉ có bốn 4 trang, đến nay, quy mô của báo đã có tới 4 ấn phẩm xuất bản hàng ngày (Sài Gòn Giải Phóng nhật báo, Sài Gòn Giải Phóng Hoa văn, Sài Gòn Giải Phóng điện tử, Sài Gòn Giải Phóng Thể thao) và 2 chuyên san: Sài Gòn Giải Phóng Tuần san, Sài Gòn Giải Phóng Đầu tư - Tài chính.

Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có mặt ở hầu hết trên các tỉnh, thành cả nước và ở nước ngoài, được bạn đọc tín nhiệm. Có được một bề dày thành tích như vậy, công lao đầu tiên thuộc về đội ngũ làm báo với nhiều thế hệ đã qua và hiện tại.

Tập sách “Báo Sài Gòn Giải Phóng - Ký ức 35 năm” còn là những ký ức yêu thương của các nhà báo lão thành, từng có mặt trong những số báo đầu tiên như: nhà báo Đinh Phong, Nguyễn Hồ, Danh Lân, Tô Hòa, Nguyễn Thị Vân, cố Tổng biên tập Vũ Tuất Việt… với nhiều ký ức sôi động và không kém phần quyết liệt qua các bài báo: “Đổi mới để tồn tại” (Tô Hòa); “Báo Sài Gòn Giải Phóng đi trước một bước trong kinh doanh” (Nguyễn Thị Vân); “Diễm phúc trong đời làm báo” (Vũ Tuất Việt); “Tôi đi bán báo Sài Gòn Giải Phóng số 1 tại Sài Gòn” (Trần Cương); “Nao nức số báo đầu tiên sau ngày giải phóng” (Huỳnh Tám); “Lớp phóng viên đầu tiên” (Cẩm Phô)…

Bên cạnh đó là bài viết của những người làm báo thuộc thế hệ hiện tại tràn đầy cảm xúc yêu thương, những lời tri ân với các đồng nghiệp, với những bậc đàn anh đi trước cùng những tâm sự về hoạt động nghề nghiệp sôi động, gian nan nhưng đầy ắp nghĩa tình và tràn ngập tinh thần tất cả vì sự phát triển của tờ báo.

Từ quá khứ đến hiện tại, tập sách đã cố gắng thể hiện được dòng cảm xúc chủ đạo. Sự hình thành và phát triển của Báo SGGP được tạo nên từ sức mạnh đoàn kết của lực lượng những người làm báo từ nhiều nguồn, là nơi hội tụ của những dòng chảy tri thức: những người làm báo từ chiến khu về, đội ngũ làm báo tại chỗ của Sài Gòn cũ và đội ngũ những người làm báo tăng cường từ miền Bắc vào.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy và sự chèo lái đầy bản lĩnh, năng động, sáng tạo và mang tính kế thừa của 7 thế hệ Tổng biên tập: Võ Nhân Lý, Tô Hòa, Vũ Tuất Việt, Cao Xuân Phách, Phan Hồng Chiến, Dương Trọng Dật, Trần Thế Tuyển, đội ngũ những người làm báo SGGP đang tiếp tục phát triển, tự tin hướng tới tương lai với một trách nhiệm cao cả và một sứ mệnh vinh quang: Trở thành một tờ báo Đảng vững mạnh, hấp dẫn bạn đọc, là kênh thông tin tin cậy của xã hội. Trong giai đoạn sắp tới, Báo SGGP đã sẵn sàng với định hướng phát triển: làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền; phát triển kinh tế báo chí và đẩy mạnh công tác xã hội…

Lần giở những trang sách và xem những hình ảnh xúc động của tập sách “Báo Sài Gòn Giải Phóng - Ký ức 35 năm”, những người làm báo SGGP và tất cả các đồng nghiệp cùng có chung một cảm xúc: Đó là những xúc cảm ấm áp, ân tình về những năm tháng đã qua, hòa trộn cùng niềm xúc động của ngày hôm nay. Đó là sức mạnh để những người làm báo hôm nay nhìn lại quá khứ để đi tiếp trong tương lai.

(*) Nhà Xuất bản Văn học 2011 

VIỆT HÀ

Tin cùng chuyên mục